Hà Nội: Các giải pháp phục hồi kinh tế đã tạo đà tăng trưởng
Triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, kết quả phát triển kinh tế quý I/2022 của TP. Hà Nội được đánh giá đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ với GRDP đạt 5,83% (cả nước ở mức 5,03%). Kết quả này đang tạo đà cho Hà Nội tiếp tục phát triển ở các tháng tiếp theo.
Kinh tế Hà Nội phục hồi, tăng trưởng
Tại hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội quý I/2022 vừa diễn ra, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhắc đến chi tiết: Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022 (ngày 5/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính có nêu 10 kết quả nổi bật của cả nước trong thời gian qua.
Đó là, tình hình dịch bệnh được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế phục hồi; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực; phát triển doanh nghiệp khởi sắc; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Căn cứ những đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu ngọc Anh nhận định: "10 kết quả nổi bật toàn quốc ấy được thể hiện sinh động, rõ nét ở địa bàn Thủ đô".
Tiêu biểu là, Hà Nội không chỉ bám sát các chỉ đạo của Trung ương, triển khai cụ thể các giải pháp trong Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ để triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể mà còn chủ động có kế hoạch khắc phục các tồn tại hạn chế trong năm 2021.
Chủ tịch TP. Hà Nội cũng chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị Thành phố đã chủ động, quyết liệt thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa tập trung công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả toàn diện, đồng bộ ở các địa phương là rất đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ sở để chúng ta có khí thế hơn, tự tin hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt kết quả tốt hơn thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, trong quý I/2022, tăng trưởng kinh tế Thành phố có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7%-6,2%). Các ngành tăng trưởng là: Dịch vụ tăng 6,15%; công nghiệp-xây dựng tăng 5,61%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%.
Các cân đối lớn được bảo đảm, thu bảo đảm chi, tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện quý I là trên 102.400 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ.
"Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I/2022, có thể nhận thấy nỗ lực vượt bậc của Thủ đô trong thời gian qua", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Nhiều chỉ đạo, điều hành trọng tâm cho tăng trưởng
Kết quả phục hồi kinh tế hết sức tích cực của quý I/2022 được Chủ tịch TP. Hà Nội đánh giá là dấu mốc đặc biệt Thành phố đạt được sau 2 năm nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch. Qua 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thành phố phục hồi rõ nét, toàn diện, đồng bộ và quan trọng là đã theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan nhận định, đầu tháng 3/2022 Hà Nội lên tới đỉnh dịch COVID-19, tuy nhiên UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để thích ứng tan toàn với dịch bệnh, Thành phố vẫn triển khai các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội theo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, kết quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều tăng hơn trung bình cả nước.
Một trong chỉ đạo, điều hành của Thành phố được Sở Công Thương đánh giá cao là trong quý I, tình hình xăng dầu rù rất "nóng" nhưng Hà Nội vẫn giữ ổn định, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhân dân.
Trong quý I, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành trên nhiều lĩnh vực: Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã phê duyệt án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Phê duyệt thêm 09 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc... Đã khởi công nhà máy điện rác SERAPHIN khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây. Hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; ban hành Quyết định số 15 ngày 30/3/2022 về Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công…
Những tháng đầu năm, Hà Nội cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới từ (ngày 15/3) đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên bàn Thành phố đã xây dựng, triển khai các phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép, chủ động, linh hoạt phục hồi và phát triển kinh tế theo lộ trình có kiểm soát.
Cùng với các giải pháp tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, trong quý I/2022, vốn FDI thu hút 575 triệu USD. Có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95 nghìn tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4%; có 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2%).
Hà Nội đặt lộ trình tăng tốc cho các tháng tiếp theo
Để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm, Chủ tịch Thành phố cho rằng cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế để tăng tốc phát triển kinh tế các tháng cuối năm. Cụ thể, đến hết ngày 31/3/2022, tỷ lệ giải ngân toàn Thành phố đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn là con số thấp (cả nước là 9%, trong đó có 05 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân trên 25%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022 - kiểm soát dưới 4%...
Tại giao ban quý I/2022 mới diễn ra, Chủ tịch Thành phố đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đứng đầu là cấp trưởng các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo.
Ngay từ đầu tháng 4, toàn đơn vị khẩn trương bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, triển khai các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ phục vụ tổ chức thành công SEA Games 31 cao điểm vào tháng 5 (từ ngày 12-23/5/2022) với 18/40 môn thi đấu được tổ chức tại 16 địa điểm tại Hà Nội
Bước vào quý II, từ Thành phố tới cơ sở, xã, phường, thị trấn, tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; trong đó khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quý I, đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển trong quý II, III để bảo đảm mục tiêu về đích trong quý IV.
Tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đầy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như: Dịch vụ (quý I tăng 6,15% - gấp 1,34 lần mức tăng của cả nước (4,58%); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61% - bằng 0,88 lần mức tăng của cả nước (6,38%).
Ngoài ra, tháo gỡ các khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư. Bảo đảm các cân đối lớn khi thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế để phục hồi phát triển kinh tế. Tăng cường lưu thông kết nối cung cầu hàng hóa; kích cầu du lịch Thành phố trong bối cảnh bình thường mới.