Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, tiến tới mở rộng vùng phát thải thấp toàn thành phố vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị nêu rõ, Hà Nội cần cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải triển khai thực hiện đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2, của Quốc hội,...

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026.
Đặc biệt, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1;
Từ ngày 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần xây dựng, triển khai đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại các đoạn sông, kênh, rạch khu vực nội thành; đề án thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, không lấy việc đẩy ô nhiễm sang khu vực khác thay cho xử lý ô nhiễm tại nguồn,...
Theo chỉ thị, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm, xác định cùng với kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trụ cột quan trọng, không thể tách rời, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...
Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục,...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, giải quyết có hiệu quả rõ nét tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn".
UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể như: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Vành đai 1 là một tuyến đường giao thông đô thị quan trọng nằm trong hệ thống các vành đai bao quanh khu vực trung tâm lõi của Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 14km.
Tuyến đường Vành đai 1 đi qua các trục đường sau:
Đường Đê La Thành (đoạn từ Cầu Giấy đến Ô Chợ Dừa)
Đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu – Voi Phục (đoạn mở mới, đang hoàn thiện)
Đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa
Đường Đại Cồ Việt
Đường Trần Khát Chân
Đường Nguyễn Khoái (đoạn ven sông Hồng)
Nối với Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật – Yên Phụ
Nối về lại điểm đầu khu vực Cầu Giấy – Đê La Thành
Mai Anh