Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: Chủ trương đúng… nên từng bước thực hiện

Việc cấm/hạn chế xe máy chạy xăng để giảm ô nhiễm là chủ trương đúng, tuy nhiên chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng dầu) lưu thông trong Vành đai 1.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: “Cần đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế các tác động kinh tế - xã hội”

Đã có đủ bằng chứng khoa học rằng xe có động cơ nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Do vậy, cấm xe máy dùng động cơ xăng ở khu vực bên trong đường vành đai 1, sau đó mở rộng ra các khu vực khác là một trong những giải pháp có tính căn cơ để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

 PGS.TS Vũ Thanh Ca

PGS.TS Vũ Thanh Ca

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí sẽ được gió nhẹ vận chuyển từ vùng này sang vùng khác nên giảm được một phần nguồn gây ô nhiễm không khí ở khu vực trung tâm Hà Nội không có nghĩa là có khả năng có giảm được đáng kể mức độ ô nhiễm không khí ở đó.

Mặt khác, cấm xe máy dùng động cơ xăng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân. Đối với những người mưu sinh bằng xe máy thì việc đổi xe máy xăng thành xe máy điện lại còn khó khăn hơn.

Đấy là chưa kể hạ tầng sạc điện cho xe máy còn cực kỳ yếu kém. Rất nhiều nhà dân, thậm chí nhiều chung cư cao tầng, được xây dựng và thiết kế chưa tính tới việc bố trí hạ tầng cho việc nạp xe điện.

Bất cứ chính sách công nào cũng có những tác động tốt và xấu tới kinh tế - xã hội và môi trường, vì vậy, khi xây dựng các chính sách công luôn rất cần phải đánh giá kỹ các tác động, nhất là tác động đến sinh kế, thu nhập và cuộc sống của người dân.

Việc cấm/hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đối với xe máy động cơ xăng, nên kiểm định khí thải nghiêm ngặt càng sớm càng tốt và loại bỏ những xe cũ, không đạt chuẩn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế các tác động kinh tế - xã hội.

Hà Nội đề xuất 3 mức hỗ trợ bằng tiền mặt

Sở Xây dựng Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội báo cáo về công tác chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện. Dự kiến các cơ chế, chính sách này sẽ được trình để HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 9/2025.

Sở Xây dựng đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân sinh sống trong vùng phát thải thấp, sở hữu xe máy chạy xăng hoặc diesel. Khi chuyển đổi sang phương tiện xanh, người dân sẽ được nhận hỗ trợ từ 3 – 5 triệu đồng/xe tùy đối tượng: 3 triệu đồng cho cá nhân thường; 4 triệu đồng cho hộ cận nghèo; 5 triệu đồng cho hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa một xe, áp dụng đến hết năm 2030.

Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3 – 5%/năm, hạn mức vay 100% giá trị hợp đồng, thời hạn tối đa 5 năm. Đối tượng được hưởng chính sách này gồm đơn vị dịch vụ công ích, vận tải hành khách (trừ xe buýt), vận tải hàng hóa, doanh nghiệp đầu tư thu hồi – tái chế xe cũ. Hà Nội đề xuất miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số cho phương tiện giao thông xanh từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Cần tăng cường giao thông công cộng”

 TS. Hoàng Dương Tùng

TS. Hoàng Dương Tùng

Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ, bước đi cần thiết trong việc giảm ô nhiễm môi trường hiện nay. Nhất là khi Hà Nội đang thí điểm vùng phát thải thấp tại một số khu vực, việc cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 coi như đây cũng chính là vùng phát thải thấp.

Tuy nhiên, từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều thời gian, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi phương tiện, đồng thời có các biện pháp tăng cường giao thông công cộng. Theo ước tính. Hà Nội có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, cùng với doanh nghiệp, Nhà nước cần tính đến việc hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện.

Hiện trạng giao thông công cộng Hà Nội ra sao?

Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội đa dạng gồm xe buýt, đường sắt đô thị (Metro) và xe đạp công cộng. Đường sắt đô thị gồm tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông (chiều dài 13km) và tuyến Nhổn – Ga Hà Nội (chiều dài 12,5 km). 2 tuyến thực hiện vận chuyển khoảng 42–43 triệu lượt khách (2024, nửa đầu 2025), bình quân 56–65 nghìn lượt/ngày. Xe buýt công cộng, hiện có 128 tuyến buýt với khoảng 1.900 phương tiện, trong đó có khoảng 350 xe xanh chiếm khoảng 18,5% tổng số lượng phương tiện, xe buýt thường hơn 150 tuyến hoạt động. Xe đạp công cộng TNGo có 1.000 xe (trong đó 50% là xe đạp điện) tại 94 trạm. Tháng 5/2025, Hà Nội bổ sung thêm 49 trạm xe đạp công cộng + 500 xe tập trung dọc tuyến Cát Linh–Hà Đông và một số điểm khác.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên VUSTA): “Chủ trương đúng, nhưng cần nhiều giải pháp để khả thi”

 PGS.TS Bùi Thị An

PGS.TS Bùi Thị An

Tôi cho rằng, chủ trương cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 là đúng, đặc biệt đối với những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Bởi thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới (bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội có nhiều thời điểm vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 2 đến 3 lần), ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Việc giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy, là một trong những mục tiêu cấp thiết.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội cũng như cuộc sống của người dân, TP Hà Nội phải triển khai nhiều giải pháp. Trước hết, Hà Nội phải có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ người dân đổi từ xe xăng sang xe điện. Bởi tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của số đông người dân. Do đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện. Trong đó cần lưu ý nên hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện loại gì để phù hợp.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh, cụ thể là các trạm sạc điện đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện. Không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện. Đồng thời chú trọng phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh. Ví dụ, người dân di chuyển đến khu vực Vành đai 1, nếu đi xe máy xăng cần có chỗ gửi xe hợp lý, cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh (buýt điện, metro) thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn.

Thí điểm cấm xe xăng từ đầu năm 2026

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra lộ trình cụ thể để hạn chế và tiến tới cấm xe máy, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực trung tâm.

Cụ thể, từ 1/1/2026 đến 30/6/2026, Hà Nội sẽ thí điểm hạn chế xe máy chạy xăng tại một số khu vực nội đô. Từ 1/7/2026 sẽ cấm xe máy xăng trong Vành đai 1. Từ 1/1/2028 sẽ cấm xe máy trong Vành đai 2, đồng thời hạn chế ô tô xăng/diesel trong khu vực này. Từ 1/1/2030 sẽ hạn chế ô tô cá nhân xăng/diesel trong Vành đai 3.

Từ năm 2035 đến 2050, TP sẽ từng bước hạn chế toàn bộ xe cơ giới không sử dụng năng lượng sạch, kể cả xe CNG, hybrid. Việc hạn chế sẽ mở rộng từ Vành đai 1 (2035), Vành đai 2 (2040), Vành đai 3 (2045) và toàn TP từ năm 2050.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông: “Cần chính sách hỗ trợ tài chính với người dân một cách cụ thể”

 TS Nguyễn Xuân Thủy

TS Nguyễn Xuân Thủy

Tôi cho rằng, việc khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện là một hướng đi đúng nhằm giảm ô nhiễm không khí. Thực trạng cho thấy, ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay chủ yếu xuất phát từ hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, việc tập trung xử lý ô nhiễm từ lĩnh vực giao thông là hướng đi vừa trúng, vừa đúng.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thực chất, cần có lộ trình chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và được triển khai trên cơ sở các chính sách cụ thể, khả thi. Trong đó quan trọng nhất là cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ thiết thực. Không thể chỉ kêu gọi rồi mặc định rằng hộ gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế để mua xe máy điện. Muốn thay đổi thói quen tiêu dùng, Nhà nước cần tính đến chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Phương án chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện của Hà Nội:

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1. Thành phố sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND thành phố xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

Đối với việc bố trí mạng lưới giao thông công cộng để hỗ trợ người dân khi cấm xe máy, Hà Nội sẽ tăng cường các loại xe buýt điện quy mô từ 8-12 chỗ để tạo ra mạng lưới hỗ trợ. Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình xe vận tải điện khoảng 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực vành đai 1.

Đồng thời, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác. Trước mắt, ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị, một phương tiện hiện đại sạch, xanh.

Hải Ninh thực hiện

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ha-noi-cam-xe-may-chay-xang-vao-vanh-dai-1-chu-truong-dung-nen-tung-buoc-thuc-hien-post1555282.html