Hà Nội cần cú hích để bứt phá với mô hình TOD
Hệ thống đường sắt đô thị chính là 'chìa khóa' để Hà Nội giải quyết bài toán giao thông và tái cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại.

Hà Nội xác định phát triển đô thị theo mô hình TOD, lấy giao thông công cộng làm trung tâm
Hà Nội định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD
Hệ thống đường sắt đô thị, đặc biệt là metro, được các chuyên gia và nhà quản lý đánh giá là yếu tố then chốt trong việc giải bài toán giao thông đang ngày càng bức bách tại Thủ đô, đồng thời mở ra cơ hội tái cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại và bền vững.
Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông công cộng, kiến tạo nên diện mạo đô thị văn minh trong tương lai. Ông nhấn mạnh: "Đường sắt đô thị không chỉ góp phần tái cấu trúc đô thị mà còn tạo ra những khu đô thị mới và chỉnh trang các đô thị cũ."
Thực tế cho thấy, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng quá tải giao thông khi cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện cá nhân. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), lấy giao thông công cộng làm trụ cột. Mục tiêu là xây dựng một Thủ đô nhanh, xanh, hiện đại và văn minh.
Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, mô hình TOD không còn xa lạ trên thế giới và đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. "Tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, thành phố đang có những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng này, với hệ thống đường sắt đô thị được xác định là trục xương sống của mạng lưới giao thông công cộng", ông Minh khẳng định.
TS. Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI) nhấn mạnh vai trò chiến lược của đường sắt đô thị trong việc tái cấu trúc không gian đô thị. Khi mạng lưới metro hoạt động hiệu quả, các tuyến đường sắt sẽ kéo giãn mật độ dân cư ra ngoài trung tâm, giảm áp lực lên hạ tầng hiện hữu, đồng thời hình thành các cực phát triển mới ở vùng ven và các trạm trung chuyển. Theo ông Trực, đây là con đường tất yếu để Hà Nội phát triển bền vững, thông minh và thích ứng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.
"Việc đầu tư và phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ là giải pháp cấp bách cho vấn đề giao thông mà còn là chiến lược dài hạn để Hà Nội vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống", TS. Lê Chính Trực chia sẻ.
PPP được kỳ vọng là "chìa khóa" cho phát triển TOD
Mặc dù được nhắc đến từ lâu, việc phát triển đô thị theo định hướng mô hình TOD tại Hà Nội vẫn còn mờ nhạt, thậm chí gần như chưa định hình rõ nét. Ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội thẳng thắn chỉ ra rằng hạ tầng đường sắt đô thị, yếu tố then chốt để phát triển TOD, vẫn đang trong giai đoạn "thai nghén", triển khai chậm so với kỳ vọng.
Các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, việc triển khai mô hình TOD tại Hà Nội đang đối mặt với nhiều rào cản về quy hoạch, cơ chế và năng lực thực hiện. GS.TS.KTS. Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, dù khung pháp lý liên quan như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Thủ đô, Luật Xây dựng, Luật Đường sắt... đã được hoàn thiện, mô hình TOD vẫn chưa được quy định cụ thể. Theo ông Đỗ Hậu, cần có những quy định, hướng dẫn và tiêu chuẩn chi tiết để triển khai hiệu quả mô hình này.
Một vấn đề đáng chú ý là Hà Nội hiện chưa có quy hoạch mạng lưới TOD cụ thể. GS.TS.KTS. Đỗ Hậu nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng quy hoạch chi tiết để tạo cơ sở phát triển các hành lang và điểm TOD, từ đó xác định tính kết nối và triển khai hạ tầng, tổ chức không gian. Ông Hậu cũng đề xuất Hà Nội cần có quy hoạch TOD cụ thể cho từng khu vực, từ nội đô lịch sử đến các khu phát triển mới. Bên cạnh đó, các giải pháp về đấu giá đất và chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đường sắt và phát triển đô thị TOD cũng cần được Hà Nội chú trọng.
Bà Tô Thị Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển TP. Hà Nội cho rằng, phát triển TOD không thể tách rời hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Bà nhấn mạnh sự cần thiết ban hành các văn bản dưới luật trên cơ sở Nghị quyết 188 của Quốc hội, Luật PPP và Luật Thủ đô 2024 (Điều 31) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mô hình này.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại, bà Hạnh cho rằng cần nhìn nhận đúng vai trò của TOD và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và tư nhân. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về phân chia nhiệm vụ, cơ chế thu hồi vốn và vai trò của mỗi bên để đẩy nhanh tiến độ triển khai. "Nếu thể chế được khơi thông, sẽ có nhiều hợp đồng PPP được ký kết, đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn mà ngân sách khó có thể đảm đương nếu thiếu sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước", bà hạnh chia sẻ.
Bà Hạnh kiến nghị cần sớm ban hành các văn bản dưới luật, đảm bảo sự liên kết giữa Luật PPP, Luật Thủ đô và Nghị quyết 188, tạo cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Các văn bản này cần chú trọng đến cơ chế tài chính, thuế, giải phóng mặt bằng... tạo khung pháp lý ổn định cho từng dự án, đồng thời tạo môi trường an toàn, đảm bảo sự chia sẻ và đồng hành giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cân bằng rủi ro cho nhà đầu tư.
Cuối cùng, bà Hạnh đề xuất cần có quy định cụ thể, định nghĩa rõ ràng về nhà đầu tư chiến lược, minh bạch hóa quy trình thủ tục và làm rõ các tiêu chí kêu gọi dự án TOD.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-can-cu-hich-de-but-pha-voi-mo-hinh-tod-163450.html