Hà Nội cần là trung tâm cung ứng sản phẩm ra thế giới

Đây là gợi mở của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Hà Nội đạt được những kết quả kinh tế vượt trội, là động lực phát triển của Đồng bằng Sông Hồng, đầu mối giao thông quan trọng… Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt được các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Ba vấn đề lớn mà Hà Nội gặp phải là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng.

Kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 02/08 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế.

Quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.

Theo ông Dũng, để Hà Nội phát triển xứng tầm và cạnh tranh so với các Thủ đô lớn trong khu vực, quy hoạch của Thủ đô Hà Nội cần nghiên cứu các tiềm năng, lợi thế còn bị bỏ ngỏ. Trong đó, cần xem xét, nghiên cứu tỷ trọng phát triển công nghiệp còn khiêm tốn, chiếm khoảng 24%, không tạo động lực cho Hà Nội phát triển; xem xét việc lựa chọn các ngành mũi nhọn phát triển phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp thực tiễn và hướng tới tương xứng với các thủ đô các nước xung quanh, mang tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, quy hoạch Hà Nội cần xem xét đến việc tại sao với lợi thế là trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao vượt trội so với cả nước nhưng khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chưa tối ưu.

"Chưa có nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, cũng như chưa xác định Hà Nội là Trung tâm phát triển và cung ứng sản phẩm ra thế giới?", Bộ trưởng Dũng đặt vấn đề.

Theo đó, Bộ trưởng Dũng gợi mở Hà Nội cần tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội. Hay là các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội.

Đồng thời, ông đề nghị nghiên cứu cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô, trong đó có xem xét, cho ý kiến về: 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục Sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-can-la-trung-tam-cung-ung-san-pham-ra-the-gioi-1098398.html