Hà Nội cần lập bản đồ các điểm sốt xuất huyết nguy cơ cao, triển khai ngay đề án chủ động phòng chống

Các phường xã của Hà Nội không quên ổ dịch số xuất huyết cũ, thống kê ngay, lập bản đồ các điểm nguy cơ cao; Cùng đó, Hà Nội cần chú trọng hướng dẫn các đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch về phòng chống dịch sốt xuất huyết các tháng cuối năm...

Chiều 15/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía UBND TP Hà Nội có bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một ngõ trên đường Phan Chu Trinh - TP Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một ngõ trên đường Phan Chu Trinh - TP Hà Nội.

Ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Báo cáo của UBND TP Hà Nội tại buổi làm việc cho thấy, từ đầu năm 2025 đến 15/7, toàn thành phố đã ghi nhận 365 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp nào tử vong, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2024 (1.166 mắc, không ghi nhận ca tử vong), bệnh nhân phân bố tại 90/126 xã, phường.

Một số xã, phường số mắc sốt xuất huyết cao là Hà Đông (26), Từ Liêm (19), Bình Minh, Tây Hồ (17), Phú Xuyên (13), Hát Môn (12).

Năm 2025 đã ghi nhận 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 5 xã, phường; hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động: Phú Xuyên (7 bệnh nhân), Hát Môn (3 bệnh nhân), Tây Hồ 2 ổ dịch (N15 khu TT Bộ Tư lệnh cảnh vệ 5 bệnh nhân và ngõ 445 Lạc Long Quân 3 bệnh nhân).

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP Hà Nội.

Tại Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, hàng năm đều ghi nhận số mắc cao với nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ngành Y tế đã tham mưu UBND chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án về chủ động phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn nhiều năm, bố trí kinh phí với mục đích sẵn sàng về nhân lực, vật tư, hóa chất cho công tác chủ động phòng dịch cũng như đáp ứng khi có dịch bệnh lan rộng.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 15 và tổ chức lễ phát động trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với các đơn vị, yêu cầu triển khai đợt cao điểm các hoạt động chủ động phòng chốt sốt xuất huyết như tuyền truyền, ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun diệt muỗi.

Cùng đó Hà Nội cũng tổ chức giám sát chủ động phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác tại bệnh viện/cơ sở y tế trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn để phát hiện sớm và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố.

Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các trường học, giám sát 100% ổ dịch cũ năm 2024, các khu vực nguy cơ, các ổ dịch mới phát sinh. CDC Hà Nội đã triển khai giám sát 90 lượt tại các ổ dịch sốt xuất huyết năm 2024, kết quả có 74/90 điểm giám sát có chỉ số BI > 20 chiếm 82,2%, ghi nhận được véc tơ chính tại 64/90 điểm giám sát chiếm 71,1%.

Cùng đó, Hà Nội cũng triển khai các hoạt động chủ động phòng chống sốt xuất huyết như: Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy lồng ghép các hoạt động truyền thông, chiến dịch phun diệt muỗi diện rộng tại khu vực nguy cơ cao...

Về hậu cần, hiện tại toàn thành phố có 467 máy phun và hiện còn 2.963 lít hóa chất diệt muỗi đáp ứng cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Nhận định dự báo dịch, UBND TP Hà Nội cho hay, bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội năm 2025 có thể tăng cao trong các tháng tiếp theo bởi các yếu tố: Theo chu kỳ dịch hàng năm, sốt xuất huyết tại Hà Nội thường gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8, 9 và đỉnh dịch thường vào tháng 10.

Cùng đó, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng lan rộng ra khu vực ngoại thành trong vài năm gần đây, hiện tại đã ghi nhận ổ dịch từ 5 -7 bệnh nhân; Một số nơi chưa kiện toàn được ngay lực lượng cộng tác viên, đội xung kích hỗ trợ trong hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, khó khăn trong công tác phòng chống và xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều chung cư, nhà cao tầng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện đóng trên địa bàn. Do đó, hàng năm có hàng chục nghìn người đến cư trú để học tập và làm ăn sinh sống làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.

Các phường xã không quên ổ dịch sốt xuất huyết cũ, thống kê ngay, lập bản đồ các điểm nguy cơ cao

Tại buổi làm việc, các chuyên gia, thành viên đoàn công tác Bộ Y tế đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp một số thông tin liên quan đến phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh đề nghị trong công tác giám sát dịch bệnh cần đẩy mạnh chủ động nắm bắt thông tin về phòng chống dịch ở các hội nhóm gia đình để kịp thời có biện pháp ứng phó.

Ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW lưu ý, các phường xã không quên ổ dịch cũ, thống kê ngay, lập bản đồ các điểm nguy cơ cao. Ổ dịch hay bùng phát nhất là tại các công trình xây dựng, đặc biệt chú ý đến các công trình xây dựng đang dang dở, đóng quây mấy năm; khu nhà trọ học sinh sinh viên ấm thấp; những bể sen to, cây tiểu cảnh... thường có lăng quăng, bọ gậy... cần thả cá vào đó; các gara o tô, chợ dân sinh; môi trường xung quanh bệnh viện, tập trung bệnh nhân đông.

Nguy cơ gia tăng hiện hữu, đề nghị các phường xã quan tâm chỉ đạo, tăng cường truyền thông, khuyến khích tổ dân số triển khai công tác vệ sinh môi trường hàng tuần.

Cũng về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh: Hà Nội không chủ quan khi ca mắc sốt xuất huyết giảm, vẫn còn yếu tố nguy cơ. Hà Nội chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện, thêm người dân từ địa phương khác về, cùng với mầm bệnh cũ và nguy cơ tiềm ẩn từ người di cư, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu vì đỉnh dịch của Hà Nội thường vào khoảng đầu quý 4.

Tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TW, BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết từ đầu năm đến nay tiếp nhận 60 bệnh nhân nặng, giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên thường sốt xuất huyết từ tháng 9 trở đi sẽ tăng số mắc, theo đó bệnh nhân nặng cũng tăng nên hiện nay chưa thể dự đoán ca bệnh sốt xuất huyết nặng.

"Nhiều ca bệnh xử trí ban đầu tốt tuy nhiên quá trình vận chuyển bệnh nhân lại không đảm bảo nên có nhiều nguy cơ với bệnh nhân. Chúng tôi cố gắng xây dựng mạng lưới chẩn đoán và điều trị ở tất cả các điểm xuất hiện ổ dịch lớn"- Bác sĩ Trung Cấp nói.

Các thành viên đoàn công tác Bộ Y tế phát biểu.

Các thành viên đoàn công tác Bộ Y tế phát biểu.

Chủ động, tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết các tháng cuối năm

Phát biểu tại buổi làm việc, đánh giá cao hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Hà Nội cần tiếp tục chủ động ứng phó, phòng chống sốt xuất huyết giai đoạn cao điểm thời gian tới.

"Theo chu kỳ dịch hằng năm, sốt xuất huyết tại Hà Nội thường gia tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8, 9 và đỉnh dịch thường vào tháng 10. Thời tiết mưa nhiều cũng dẫn đến nguy cơ truyền bệnh sinh sôi…" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói và đề nghị Hà Nội cần chú trọng hướng dẫn các đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch về phòng chống dịch sốt xuất huyết các tháng cuối năm, triển khai đề án về chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Mặt khác, Hà Nội cũng cần chỉ đạo các phường, xã kiện toàn sớm Ban Chỉ đạo, đội xung kích diệt bọ gậy, tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, thường xuyên lồng ghép các hoạt động vệ sinh xanh - sạch - đẹp, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9).

"Hà Nội cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống dịch. TP cần phân loại và quản lý tốt bệnh nhân sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế; đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng chống sốt xuất huyết và đánh giá cao những thông tin chia sẻ của đoàn công tác Bộ Y tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, phát huy những thành quả đạt được trong việc giảm sâu số ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm 2024, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động chủ động phòng bệnh.

Thời gian tới, Hà Nội tổ chức chiến dịch truyền thông đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 7 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thả cá, phun hóa chất, chủ động phòng bệnh tại các xã, phường trọng điểm, nới có nhiều bệnh nhân hàng năm.

Cùng với việc giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân, Hà Nội sẽ tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân ổ dịch. Một mặt bảo đảm công tác hậu cần phòng chống dịch bao gồm hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy; hóa chất khử khuẩn, vật tư trang thiết bị phòng chống dịch; sửa chữa, bảo dưỡng máy phun, mặt khác, Hà Nội sẽ chủ động tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ Trạm Y tế, Đội xung kích theo hướng kỹ hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các địa phương về phòng chống dịch, chú trọng dịch bệnh sốt xuất huyết.

Các đại biểu của Hà Nội phát biểu.

Các đại biểu của Hà Nội phát biểu.

"Chúng ta đang vào giai đoạn cao điểm thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh (2/9/1945-02/9/2025), công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng càng cần được chú trọng đặc biệt, khi lưu lượng người đến Hà Nội tăng đột biến.

Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến tư vấn của các chuyên gia đoàn công tác Bộ Y tế, tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy lồng ghép các hoạt động truyền thông, chiến dịch phun diệt muỗi diện rộng tại khu vực nguy cơ cao, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn" - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh

Trước đó, chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác đã làm việc về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Cửa Nam ( TP Hà Nội) và đi kiểm tra thực tiễn công tác phòng chống dịch tại một số địa điểm trên địa bàn phường.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-can-lap-ban-do-cac-diem-sot-xuat-huyet-nguy-co-cao-trien-khai-ngay-de-an-chu-dong-phong-chong-169250715164943819.htm