Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm, thu hút khách du lịch
Bên hành lang Quốc hội, sau phần thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đã hiến kế để Hà Nội khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Kinh tế ban đêm là những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18h tối cho đến 6h sáng hôm sau, gồm: Mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện ích 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình sự kiện, lễ hội, các điểm du lịch, di tích văn hóa mở cửa vào ban đêm. Đây không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới.
Cho rằng kinh tế đêm rất quan trọng đối với các trung tâm du lịch, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mong muốn Hà Nội đẩy mạnh kinh tế ban đêm, tạo điều kiện để du khách tiêu tiền nhiều hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
“Theo nghiên cứu trên thế giới, khách du lịch dành thời gian chính để tiêu dùng là vào ban đêm. Du lịch đêm có sự hấp dẫn riêng của nó. Dưới ánh sáng lung linh, huyền bí, những di tích được kể chuyện hay hơn bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, các hoạt động văn hóa cũng trở nên nhộn nhịp, hấp dẫn hơn. Để phát triển của kinh tế đêm thì phải có sản phẩm đặc thù. Ngoài các thiết chế, di sản văn hóa còn có các loại hình dịch vụ, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp. Chẳng hạn bảo tàng, thư viện, di tích thì giờ làm việc phải theo giờ giấc khác. Cần có những địa điểm văn hóa cụ thể như phố đi bộ Hồ Gươm. Bên cạnh đó phải rút kinh nghiệm để có những sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu, nhu cầu của du khách”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết.
Hiện nay, Hà Nội đông đúc, tắc đường vào ban ngày nhưng lại khá vắng vẻ về đêm.Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế ban đêm, thu hút thêm nhiều khách du lịch thì sẽ đòi hỏi công tác quy hoạch, mật độ dân cư ở Thủ đô phải được can thiệp để có sự thay đổi, khắc phục tình trạng mất an toàn về phòng chống cháy nổ và tắc nghẽn giao thông.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những cơ chế, chính sách đặc thù giúp Hà Nội phát triển bền vững hơn, nếu thực thi tích cực.
“Hà Nội là đô thị nghìn năm lịch sử, dân cư tập trung, phát triển trong cả một giai đoạn dài, với thói quen tập quán ăn sâu. Nếu thay đổi cần có thời gian, không thể ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, dự thảo luật đã quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị, tổ chức không gian đô thị hướng tới hiện đại. Trong đó phát triển mô hình đô thị định hướng giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development) là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng hiện nay. Khi phát triển được những đô thị với điều kiện sống tốt, giao thông thuận lợi, môi trường cảnh quan đảm bảo thì sẽ thay đổi được thói quen của người dân. Người dân sẽ không lựa chọn những nơi ở ngõ ngách nhỏ, điều kiện sống không đảm bảo nữa".