Hà Nội: Cần sớm khắc phục nạn đổ trộm rác thải gây ô nhiễm trên đại lộ Chu Văn An

Tình trạng đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng,… và đốt rác bừa bãi trên đại lộ Chu Văn An (Phạm Tu) đang tái diễn không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn biến tuyến đường nghìn tỷ trở thành điểm đen ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trân trọng tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng, toàn diện, sâu sát của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Bí thư Thành ủy đối với các nhóm vấn đề được gợi ý thảo luận tại kỳ họp. Đồng thời, UBND thành phố sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các Ban, Tổ đại biểu, các vị đại biểu HĐND thành phố; nhất là đối với 42 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại 5 Tổ thảo luận...

"Đặc biệt, nội dung chất vấn tại kỳ họp "đúng và trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Qua đó, giúp UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém; đồng thời, là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp, thích ứng trong tình hình mới", Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: P. Long

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: P. Long

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng; quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD... Đây là kết quả hết sức quan trọng và toàn diện, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các công trình lớn được hoàn thành, trong đó điển hình là vận hành dự án đường sắt đô thị trên cao trong năm 2024. Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc); đồng thời, thành phố đang tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.

Với quyết tâm cải thiện môi trường, nhất là về vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 100% mạng lưới nước sạch đến tất cả xã, phường, thị trấn; phấn đấu trước ngày 2.9.2025 sẽ bổ cập nước cho hồ Tây, trên cơ sở đó tạo đà làm “sống lại” các dòng sông nội đô.

"Đặc biệt, Hà Nội sẽ phát động phong trào “sạch” của thành phố để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đặc biệt là trong các quận nội đô lịch sử, làm sao để sạch từ ý thức đến hành động của từng người dân. Ngoài ra, sau khi có Luật Thủ đô, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để làm sạch môi trường. Trong đó, Hà Nội sẽ có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp sản xuất xe để hỗ trợ người dân đổi xe cơ giới chạy bằng xăng sang điện...", Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Những ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu UBND TP.Hà Nội, đặc biệt là về vấn đề môi trường khiến cử tri và nhân dân thành phố hết sức vui mừng, và tin tưởng vào sự quyết liệt của các cấp chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường xã.

Tuy nhiên, vấn đề môi trường trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều cái để bàn. Có nhiều cái tưởng chừng như ở xa tận đâu đâu nhưng nó lại hiện hữu ngay trước mắt. Đó là câu chuyện về vấn đề ô nhiễm môi trường có thể "nhìn thấy bằng mắt" trên tuyến Đại lộ Chu Văn An.

Đường Phạm Tu, trước đây gọi là Đại lộ Chu Văn An, có chiều dài 2,5 km đi qua địa bàn quận Hoàng Mai, và huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội gồm 4 làn xe cùng hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020. Tuyến đường nối đường vành đai 3 với quốc lộ 70, kết nối giao thông khu vực nội thành với Quận Hà Đông và các huyện thị khu vực phía Tây Nam Hà Nội. Ngoài việc giải quyết vấn đề giao thông, thì tuyến đường cũng góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị các địa bàn nói trên.

Trên tuyến vỉa hè đường Phạm Tu, rác thải đổ la liệt, chiếm hết cả phần đường của người đi bộ.

Trên tuyến vỉa hè đường Phạm Tu, rác thải đổ la liệt, chiếm hết cả phần đường của người đi bộ.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, trái với kỳ vọng ban đầu đại lộ Chu Văn An trước đây, vỉa hè, các khu đất trống nằm sát đường Phạm Tu hiện nay lại trở thành điểm đổ rác, phế thải tự phát. Đi cùng với đó là tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh, đỗ xe tạp nên hình ảnh vô cùng nhếch nhác và mất mỹ quan.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường vào những ngày đầu tháng 12/2024, trên tuyến đường Phạm Tư (trước đó là Đại lộ Chu Văn An) đang tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng,…đốt rác thải bữa bãi trên tuyến đường nghìn tỷ đang có dấu hiệu tái diễn chỉ một thời gian ngắn sau khi được chính quyền địa phương ra quân xử lý trước đó,

Tình trạng đốt rác diễn ra la liệt ngay dưới chân đường dây điện cao thế.

Tình trạng đốt rác diễn ra la liệt ngay dưới chân đường dây điện cao thế.

Từ đường Nguyễn Xiển rẽ vào đường Phạm Tu khoảng 500m hiện tồn tại bãi rác thải tự phát ngay sát vỉa hè, lưu cữu lâu ngày, bốc mùi khó chịu. Cách đó khoảng 200m hướng về đường Nguyễn Xiển, hàng chục bao rứa lớn nhỏ bên trong là rác thải rắn sinh hoạt, phế thải xây dựng đang được vứt bừa bãi trên vỉa hè từ nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa được thu dọn.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn cả, là khu vực đất trống sát vỉa hè thuộc đia bàn các xã Thanh Liệt, Tân Triều cách đó khoảng 1 km đã bị biến thành điểm đổ rác thải rắn sinh hoạt, tập kết phế thải xây dựng tự phát. Cả một đoạn vỉa hè kéo dài khoảng 300m ngập trong rác thải, từ các loại rác thải sinh hoạt thông thường, vải vụn, rác thải công nghiệp, kính vỡ, thậm chí xác động vật chết được vứt la liệt khắp vỉa hè. Việc đổ rác, phế thải xây dựng bừa bãi không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn biến tuyến đường này thành điểm đen ô nhiễm.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm các biển cấm đổ rác nhưng tình trạng rác thải tràn lan trên vỉa hìa đường Phạm Tu vẫn diễn ra hàng ngày.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm các biển cấm đổ rác nhưng tình trạng rác thải tràn lan trên vỉa hìa đường Phạm Tu vẫn diễn ra hàng ngày.

Tiếp xúc với chúng tôi ông Nguyễn Văn H. (người làng Yên Xá, xã Tân Triều) cho biết, từ khi tuyến đường này thông xe, việc đi lại của người dân rất thuận lợi. Tuy nhiên, lợi dụng các khu đất dự án nằm dọc hai bên tuyến đường đang để trống, nhiều người đã đổ hoa quả hỏng, phế thải xây dựng, thậm chỉ cả xác động vật chết... gây bốc mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là vào những ngày nồm ẩm. Chưa dừng lại, tình trạng đốt rác thải bừa bãi ngay dưới chân đường dây điện cao thế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn ngành điện.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên ông Trình Quốc Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, một phần khu đất trên kéo dài khoảng 100m thuộc địa bàn xã, phần còn lại thuộc đia phận xã Tân Triều. Ông Thắng cũng xác nhận tình trạng đổ trộm rác thải của người dân tại khu vực nói trên, địa phương cũng nhiều lần tổ chức xúc, dọn dẹp rác thải tại khu vực nói trên nhưng cũng không xuể.

Rác vây kín chân cột điện cao thế.

Rác vây kín chân cột điện cao thế.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Lăng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Khu vực trên nằm tiếp giáp với các khu vực đang phát triển phát sinh hoạt động xây dựng nhiều, nên lượng rác thải xây dựng rất lớn. Trong khi đó, khu vực này nằm trên vị trí tiếp giáp với nhiều địa bàn khác nhau, nên họ dễ dàng chở rác, phể thải xây dựng về đây tập kết. Địa phương đã cắm biển cấm, tổ chức thu gom, xử lý rác nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì lại tái diễn. Cũng theo ông Lăng thì chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động lực lượng địa phương tổ chức dập tắt đám cháy phát sinh từ điểm tập kết rác thải này để tránh ảnh hưởng đến an toàn của đường dây điện cao thế phía trên không kể thời gian “Mới đây nhất, sau khi phát hiện cháy tại khu vực này vào lúc 18h, dù đã hết giờ làm việc nhưng tôi và anh em cán bộ xã vẫn đưa phương tiện ra dập tắt lửa, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn của đường điện cao thế phía trên”.

Cũng theo ông Lăng thì để giải quyết triệt để tình trạng đổ trộm rác thải, trả lại môi trường và cảnh quan đô thị tại tuyến đường này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, xử phạt nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.

Dưới đâymột số hình ảnh do phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận:

Một phần vỉa hè đường Phạm Tu bị rác thải, phế thải xây dựng phủ kín.

Một phần vỉa hè đường Phạm Tu bị rác thải, phế thải xây dựng phủ kín.

Một điểm tập kết đổ rác, phế thải xây dựng tự phát ngay sát bãi đỗ xe Vạn Thuận.

Một điểm tập kết đổ rác, phế thải xây dựng tự phát ngay sát bãi đỗ xe Vạn Thuận.

Rác vây kín vỉa hè.

Rác vây kín vỉa hè.

Rác thải sinh hoạt, phụ liệu công nghiệp,... bị người dân gần đó đổ trộm ra các khu đất trống ven đường Phạm Tu.

Rác thải sinh hoạt, phụ liệu công nghiệp,... bị người dân gần đó đổ trộm ra các khu đất trống ven đường Phạm Tu.

Tình trạng đốt rác ngay dưới chân đường điện cao thế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tình trạng đốt rác ngay dưới chân đường điện cao thế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo nghị định số 55/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-7-2021) về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường", mức phạt đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường hoặc đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố… là 1-2 triệu đồng.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng chỉ với mức phạt như vậy thì rất khó để ngăn chặn các hành vi cố tình vứt rác ra môi trường, đặc biệt là rác xây dựng, chất thải rắn....

Hà Nam

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-can-som-khac-phuc-nan-do-trom-rac-thai-gay-o-nhiem-tren-dai-lo-chu-van-an-95497.html