'Hà Nội cần sớm rà soát, công khai chất lượng kinh doanh của các công ty cấp nước'
Từ sự cố nước nhiễm dầu thải đang khiến người dân Hà Nội hoang mang, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng - đề nghị cơ quan chức năng cần sớm công khai danh sách các công ty kinh doanh nước sạch cùng chất lượng nguồn nước, tránh tăng sự hoang mang của dư luận.
Trao đổi với PNVN ngày 16/10 liên quan đến sự cố nước nhiễm dầu của người dân một số quận tại Hà Nội do công ty nước sạch sông Đà cung cấp, bà Bùi Thị An đã chỉ ra những phản ứng được cho là thiếu trách nhiệm của chính Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Theo bà An, nước có tầm quan trọng không thể thay thế, bởi là sự sống của con người, nếu không có nước thì không thể tồn tại, chưa kể nguồn nước ăn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, trí tuệ của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn nước nhiễm các chất độc hại ảnh hưởng không nhỏ đến chính tính mạng của người dân.
“Do liên quan chặt chẽ đến mạng sống của nhiều người nên đơn vị nào kinh doanh nước sạch cần phải được quản lý hết sức chặt chẽ. Tuy vậy, sự việc đáng tiếc diễn ra từ công ty sông Đà không cho thấy điều này!” - bà An nhìn nhân.
Bà Bùi Thị An cho rằng, dù người dân phát hiện ra nước nhiễm bẩn, có mùi lạ nhưng phản ứng của Viwasupco cho thấy sự vô trách nhiệm khi không vào cuộc xử lý ngay, chỉ đến khi báo chí và mạng xã hội thông tin thì mới thực hiện trách nhiệm, trong khi đó đáng lý ra công ty này phải cử người ngay xuống hiện trường để xác minh và giải quyết sự việc.
Một điểm nữa là Viwasupco khi phát hiện ra sự cố đã không nhanh chóng báo cáo với các cơ quan chức năng có trách nhiệm. Các thông tin công bố cố tình giấu đi những chất độc có trong nước càng thể hiện sự vô trách nhiệm trước nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đến không chỉ một người mà cả hàng vạn người dân đang sống giữa Hà Nội.
Một điều nữa khiến bà An cảm thấy bức xúc là công ty này không hề đưa ra khuyến cáo nào liên quan đến việc sử dụng nước của người dân hoặc có các giải pháp thay thế trước mắt một cách đồng bộ, để mặc người dân tự xử lý.
Nói về sự vào cuộc của cơ quan quản lý, bà An cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo liên ngành từ phía Hà Nội là cần thiết, dù hơi chậm trễ.
“Chắc chắc phải cần thời gian để phân tích mẫu nước, tìm ra nguyên nhân thật kỹ bởi chúng ta vẫn cần một nguyên nhân chuẩn, từ đó có thể đưa ra phương án xử lý phù hợp. Vì vậy vẫn cần thời gian để tiến hành công việc này và chúng ta sẽ chờ” - bà An nói.
Trước mắt, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị Hà Nội sớm rà soát lại tất cả các công ty kinh doanh nước ở thành phố, nơi nào tốt, có nguồn nước đảm bảo hoặc những nơi có nguy cơ không đảm bảo để cho người dân nắm thông tin. “Phải công bố công khai những nơi đạt tiêu chuẩn, nơi nào không đạt, công khai kết quả kinh doanh nước của các công ty này, nếu làm không chuẩn thì đề nghị đình chỉ kinh doanh” - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nhấn mạnh.
Cũng theo bà An, cơ quan chức năng cũng cần sớm làm rõ ai là người đã đổ dầu vào đầu nguồn, gây nhiễm độc nguồn nước, đồng thời phải xử lý nghiêm minh công khai, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
* Trước đó, như PNVN đã phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường. Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường. "Công ty phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì ngăn chặn, cứ để dầu trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước. Chúng tôi sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình đề nghị Công an tỉnh này làm rõ trách nhiệm của Công ty” - ông Chung cho biết.
Nói về chất Styren, GS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), cho biết đây là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu.
Styren thường được dùng để các sản phẩm nhựa plolystyren, polyme như hộp xốp đựng đồ ăn, sợi thủy tinh.... Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh và cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy.
"Tỷ lệ Styren trong nước vượt ngưỡng đến 3,6 lần, có thể cảm nhận bằng mũi chắc chắn gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, mức độ gây hại ra sao cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn, thông tin cho người dân biết", GS Trần Văn Sung cho hay.