Hà Nội: Cần sự chung tay để thực hiện thành công việc phân loại rác thải tại nguồn

Từ ngày 1-1-2025, các cá nhân, tổ chức không tổ chức phân loại rác thải tại nguồn sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các vấn đề về hướng dẫn thực hiện, cơ chế chính sách và ý thức của người dân tại Hà Nội vẫn đang dừng lại ở…các mô hình thí điểm.

Hiện nay, TP Hà Nội đã triển khai các mô hình thí điểm phân loại rác tại địa bàn 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm. Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt sẽ được phân ra thành 4 loại gồm: Chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại…); chất thải cồng kềnh (là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như: Tủ, giường, nệm, bàn, ghế, các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây…); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh…); rác thải còn lại (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Chưa có hướng đi rõ ràng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nhiệm vụ cần thiết nhằm bảo vệ môi trường, hiện thực hóa ước mơ biến rác thành tài nguyên. Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế.

Với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50-70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường; là nguồn nguyên liệu cho các ngành nghề khác phát triển… Trước thực trạng trên, hàng loạt các quy định đã được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Rác thải trên địa bàn TP Hà Nội phần lớn chưa được thực hiện phân loại tại nguồn.

Rác thải trên địa bàn TP Hà Nội phần lớn chưa được thực hiện phân loại tại nguồn.

Cụ thể, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, từ ngày 1-1-2025, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tổ chức quản lý, phân loại chất thải rắn vẫn đang bộc lộ hàng loạt những tồn tại. Về vấn đề này, lãnh đạo một công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Hà Nội chia sẻ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành chất thải thực phẩm, chất thải tái chế, chất thải còn lại (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải còn lại khác). Thế nhưng, tới tận thời điểm hiện tại, TP Hà Nội chưa có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải hữu cơ và điểm xử lý chất thải cồng kềnh.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, những tồn tại trên cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm tính hiệu quả, tránh đi vào lối mòn. Cụ thể, năm 2006, đối tác Nhật Bản đã tài trợ, hỗ trợ Hà Nội triển khai thí điểm công tác phân loại rác thải tại nguồn ở một số phường ở Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, dự án không mang lại kết quả như kỳ vọng do sự chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống quy định pháp luật kèm theo.

Chung tay vì tương lai môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Đánh giá về công tác quản lý, xử lý rác thải, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý rác thải hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số địa phương, công nghệ xử lý rác thải vẫn chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh; chưa khai thác được các lợi ích từ việc tái chế, phân loại rác; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải thấp; thiếu kinh phí đầu tư công nghệ và thiếu các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phụ thu hồi…

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13-5-2024, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1454/UBND-TNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện các nội dung theo Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì để làm cơ sở tính toán chi phí phải trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực hiện tái chế theo hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

 Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn, nhưng cần có quy định và chế tài cụ thể để mở rộng và biến hành động này trở thành thói quen của mỗi gia đình.

Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn, nhưng cần có quy định và chế tài cụ thể để mở rộng và biến hành động này trở thành thói quen của mỗi gia đình.

Hướng dẫn cụ thể đối với việc lưu trữ, thu gom, vận chuyển và việc áp dụng đơn giá xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân sau phân loại; quy định phương án lưu trữ, thu gom, vận chuyển riêng so với các loại chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để thuận lợi trong quá trình triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng đánh giá, để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng; thường xuyên phân loại rác thải bảo đảm theo đúng hướng dẫn. Các địa phương, doanh nghiệp xử lý rác thải cần đẩy mạnh việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải để công tác xử lý rác thải đem lại hiệu quả bền vững...

Bài, ảnh: THANH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-can-su-chung-tay-de-thuc-hien-thanh-cong-viec-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-788973