Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực Y tế

Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực Y tế của Thủ đô…

Tại Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)", GS. TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y đã đóng góp những ý kiến về lĩnh vực y tế. Theo đó, trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 Quang cảnh Hội thảo khoa học

Quang cảnh Hội thảo khoa học

GS. TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y cho rằng, thực tế, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa xứng tầm với vị thế là cơ sở y tế tuyến cuối của thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế Thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng với tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của Thành phố trên số dân chưa cao…

Bên cạnh đó, sự mất cân đối về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả. Hiện nay, cho dù tình hình chất lượng cán bộ y tế có được cải thiện hơn song vẫn còn xa với nhu cầu thực tiễn của ngành Y tế Thủ đô đòi hỏi.

Từ những phân tích đó, GS. TS Tạ Thành Văn đã góp ý điều chỉnh một điểm tại Điều 26 "Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân".

Ngoài ra, Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô; bao gồm: thông tin chung (số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô); sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai..; Thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hằng năm...

 GS. TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Đại học Y nêu ý kiến tại Hội thảo

GS. TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Đại học Y nêu ý kiến tại Hội thảo

Hà Nội cũng cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

"Dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Do vậy, chúng ta cần có một chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm cơ sở y tế này", GS. TS Tạ Thành Văn nêu.

Đặc biệt, với thành phố Hà Nội rất cần thiết phải được nghiên cứu phát triển một số chính sách đặc thù trong phát triển Y tế Thủ đô theo nguyên lý Y học gia đình, mô hình y tế phổ biến ở hầu hết các nước phát triển. Về mặt câu từ, nên dùng "mạng lưới bác sĩ gia đình" thay vì "hệ thống bác sĩ gia đình".

Góp ý vào khoản 2, Điều 26: "Dự án đầu tư thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, cơ sở nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, cơ sở y tế tại các vùng sâu, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội của Thủ đô được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này. Nhà đầu tư trong các lĩnh vực, địa bàn quy định tại khoản này được hưởng các ưu đãi theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này", GS. TS Tạ Thành Văn cho rằng cần phải thống nhất với Khoản 1 khi đã có chủ trương "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các Trường Đại học Y".

Để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: cơ sở y tế trực thuộc Trung ương/Trường đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn thủ đô. Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, Thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người.

Thêm vào đó, trong Dự thảo Luật cũng cần đề cập vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ trong sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô. Dự thảo Luật cần thiết phải đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực y học dự phòng…

GS. TS Tạ Thành Văn cũng có ý kiến vào khoản 3 Điều 26: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội" và điểm d khoản 7 Điều 26: "Việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến trên thế giới đối với các cơ sở y tế của Thủ đô trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định do UBND thành phố Hà Nội thành lập"…

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-can-thiet-phai-xay-dung-trung-tam-quan-ly-co-so-du-lieu-nguon-nhan-luc-y-te-post258698.html