Hà Nội cần tiếp tục tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án 06

Chiều 21/11, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Tổ công tác) và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội.

Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đồng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thành 2 nhiệm vụ nổi bật được đánh giá là bước đột phá trong cải cách hành chính: UBND TP hợp nhất 3 ban chỉ đạo gồm: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành 1 ban chỉ đạo chung có tên là “Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP” và Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội”. Trung tâm phục vụ hành chính công TP hoạt động trên cơ sở: “Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, thực tế” với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành 46/64 nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2024. 18 nhiệm vụ còn lại cơ bản là những nhiệm vụ đang triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ. Về phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06 Chính phủ, Hà Nội đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHaNoi. Tính đến ngày 31/10, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng đạt trên 1 triệu người. Hà Nội đã tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, trong đó có tới 14.398 phản ánh, kiến nghị đã được xử lý, chiếm 84,3%. Có 7.194 phản ánh được đánh giá từ người dân, số lượng đánh giá hài lòng và chấp nhận chiếm tới 55%.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội bày tỏ nhất trí với báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội. Phó Cục trưởng Vũ Văn Tấn nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục phấn đấu triển khai sổ Sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, phấn đấu đẩy mạnh tích hợp trên VNeID cho công dân Thủ đô, đạt tỷ lệ trên 30%; cấp phiếu lý lịch Tư pháp trên VNeID phấn đấu đạt trên 80%.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nêu đề xuất với Hà Nội thời gian tới.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nêu đề xuất với Hà Nội thời gian tới.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Hà Nội đã triển khai 12 kiosk khám sức khỏe tại 4 bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Nam Thăng Long với tổng số lượng bệnh nhân tiếp đón trên 190 nghìn người. Đây là mô hình cần triển khai mở rộng tại các bệnh viện khác trên địa bàn TP. TP Hà Nội cũng cần thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư.

Để tạo điểm nhấn đột phá trong triển khai Đề án 06 tại TP Hà Nội những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP đề xuất 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ tạo link liên kết truy cập vào ví giấy tờ của công dân trên ứng dụng VneID, hoàn thành trong tháng 12, giúp người dân có thể thực hiện truy cập ví giấy tờ trên ứng dụng VneID và ứng dụng iHanoi. Trung tâm phục vụ hành chính công TP phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ công thực hiện qua kiosk tự động nhận kết quả tại kiosk thuộc chi nhánh các quận Cầu Giấy, Hà Đông và Tây Hồ. Người dân sẽ được trải nghiệm việc cung cấp dịch vụ công và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các kiosk đặt tại 3 chi nhánh trên trong thời gian thí điểm từ tháng 12/2024 đến hết tháng 3/2025 sẽ sơ kết, nhân rộng.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đề xuất lãnh đạo TP Hà Nội nghiên cứu triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh để sử dụng sổ sức khỏe điện tử và kế thừa kết quả xét nghiệm phục vụ người dân; số hóa và làm sạch dữ liệu lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích từ 1/7/2010 đến nay, đảm bảo 100% tra cứu điện tử; triển khai sổ liên lạc điện tử tích hợp trên VneID; tích hợp vé sử dụng xe bus lên ứng dụng VNeID và ứng dụng iHanoi; cấp thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trên ứng dụng VneID; tuyên truyền, đẩy mạnh 100% người dân tố giác tội phạm trên VNeID, iHanoi.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là nhận thức

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đánh giá cao và chúc mừng kết quả Hà Nội đã đạt được.

“Đây là thành tựu lớn mang lại cho người dân Thủ đô những lợi ích, giá trị thực sự; đồng thời, là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta trong việc đem lại tiện ích cho người dân. Kết quả vừa qua của Hà Nội góp phần quan trọng trong việc dẫn dắt, tạo nguồn hứng khởi cho các địa phương khác, giúp Chính phủ và Tổ công tác có định hướng trong thời gian tới, từ đó góp phần hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, dẫn dắt người dân hình thành thói quen tham gia xã hội số”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị Hà Nội tiếp tục tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Đề án 06. Với những tồn tại, khó khăn, vướng mắc Hà Nội đã nêu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nghiên cứu, liên quan đến lĩnh vực, trách nhiệm của bộ, ngành nào liên quan thì trao đổi để có hướng giải quyết. Thứ trưởng lưu ý “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là nhận thức và đề nghị Hà Nội quan tâm, chỉ đạo đến từng cán bộ, tiếp tục tiên phong, đi đầu trong việc thay đổi tư duy, nhận thức, theo tinh thần chung rõ người, rõ việc, rõ kết quả.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, những kết quả đạt được trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ của Đề án 06 còn nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí không ít "lực cản". Những “điểm nghẽn” về thể chế, hạ tầng công nghệ, nguồn lực con người và tài chính vẫn đang cản trở quá trình triển khai. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành, cùng với đó là sự sáng tạo, linh hoạt để thích ứng với tình hình thực tế của Thủ đô.

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung thực hiện nhiệm vụ theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính, coi minh bạch là yếu tố then chốt để thúc đẩy tự điều chỉnh và nâng cao hiệu quả; tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách...

Cũng trong chiều 21/11 đã diễn ra Lễ ký kết biên bản phối hợp triển khai một số nhiệm vụ của Đề án 06 giữa Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội. Đây là hành động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 của Chính phủ một cách hiệu quả hơn.

Nội dung hợp tác bao gồm 9 nhiệm vụ chính: Tiếp tục triển khai kế hoạch số hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực trên địa bàn TP phố bằng công nghệ và kho dữ liệu của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Nghiên cứu tư vấn khung kiến trúc kho dữ liệu điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP để hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của TP; Tạo liên kết truy cập vào ví giấy tờ của công dân trên ứng dụng VneID và ứng dụng iHanoi trên cơ sở đồng bộ với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP; Triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ công thực hiện qua kiosk tự động nhận kết quả tại kiosk thuộc chi nhánh Cầu Giấy, Hà Đông và Tây Hồ; Thí điểm xây dựng kênh tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID và ứng dụng iHanoi đối với 30 dịch vụ công; Tích hợp thẻ vé xe bus lên ứng dụng VNeID và iHanoi; Nghiên cứu đề xuất giải pháp tích hợp, xác thực sổ liên lạc điện tử trên ứng dụng VNeID và iHanoi; Nghiên cứu triển khai thí điểm thực hiện thủ tục hành chính cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trên ứng dụng VNeID và iHanoi; Triển khai phổ cập kỹ năng khai thác sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tiện ích trên ứng dụng VNeID vàiHanoi.

N.Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/ha-noi-can-tiep-tuc-tien-phong-guong-mau-di-dau-trong-thuc-hien-de-an-06-i750999/