Đại biểu Quốc hội gửi gắm nhiều kỳ vọng đối với TP Hải Phòng
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) bày tỏ tin tưởng dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng sẽ là một bước đột phá lớn cho Hải Phòng.
Chiều 21/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
"Kỳ vọng Hải Phòng sẽ trở thành Singapore thứ hai"
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Ông bày tỏ tin tưởng đây sẽ là một bước đột phá lớn và sẽ tạo ra một cơ hội mới để cho Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn và cũng phát huy được vị trí địa lý của Hải Phòng. Đồng thời, điều này phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện được chủ trương như Tổng Bí thư chỉ đạo gần đây là địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
“Nếu xu hướng đó phát triển, cũng rất mong Hải Phòng sẽ có thể trở thành một Singapore thứ hai của vùng Đông Nam Á,” đại biểu Huân chia sẻ. Ông kỳ vọng Hải Phòng sẽ là cực tăng trưởng mới và cùng với Hà Nội, hỗ trợ Hà Nội dẫn dắt nền kinh tế phía Bắc.
Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề về mô hình chính quyền đô thị Hải Phòng được đề xuất là áp dụng một cấp như chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, khác với Hà Nội là chính quyền đô thị hai cấp. Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh hay TP Thủ Đức thì chưa có đánh giá về mô hình chính quyền đô thị một cấp.
Do đó, đại biểu đặt vấn đề rằng với TP Thủy Nguyên chỉ có chưa đến 0,4 triệu dân, nếu vẫn áp dụng chính quyền một cấp mà HĐND thành phố thuộc thành phố có HĐND, thì liệu có làm giảm tính năng động, tính tự chủ của cả TP Hải Phòng hay không? "Bởi vì lúc đấy TP Thủy Nguyên trong TP Hải Phòng, có HĐND và sẽ được tự quyết về một số vấn đề, ví dụ như ngân sách và các vấn đề khác,” ông nói.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc thực hiện chính quyền đô thị ở TP Hải Phòng là rất phù hợp.
Đối với mô hình HĐND và UBND TP Thủy Nguyên, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ mô hình này không mới, vì trước đó đã có mô hình TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh. Do đó, đại biểu đề nghị áp dụng mô hình của TP Thủy Nguyên giống như mô hình của TP Thủ Đức, nhưng nhấn mạnh rằng “không phải TP Thủ Đức có gì thì TP Thủy Nguyên có cái đó”. Ông nêu rõ, đặc thù của TP Thủ Đức khác so với đặc thù của TP Thủy Nguyên, do vậy nên xem xét từ các khía cạnh, điều kiện cụ thể để áp dụng mô hình này.
Tạo bước tiến mới trong con đường xây dựng phát triển Hải Phòng
Tham gia thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân (Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng) bày tỏ xúc động trước sự ủng hộ của các đại biểu đối với dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Đại biểu cho biết, khi dự thảo này được thông qua, TP Hải Phòng sẽ tích cực và sớm triển khai một cách có hiệu quả nhất mô hình chính quyền đô thị mới. Đây là một mô hình có sự tác động và tạo cho Hải Phòng một bước tiến mới trong con đường xây dựng phát triển thành phố.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, một tương lai không xa, TP Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Trong đó, nội dung nghị quyết sẽ tập trung đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới để tiếp tục tạo sự đột phá cho TP Hải Phòng. Đến thời điểm đó, cũng mong được các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự tin yêu, tấm lòng dành cho Hải Phòng để Hải Phòng phát triển, cố gắng xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc và của cả nước,” đại biểu nói.
Phát biểu giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thành lập chính quyền đô thị của Hải Phòng thực hiện thể chế hóa nghị quyết của Đảng, cũng như kết luận của Bộ Chính trị, đảm bảo được tính kế thừa, cơ bản đồng bộ với TP Chí Minh, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung một số vấn đề phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, thu gọn cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị; gắn kết trong việc thực hiện chính quyền đô thị của Hải Phòng với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
"Sắp xếp ở TP Hải Phòng, tôi có thể dùng từ "tiên phong" trong 4 đề án, trong đó có sắp xếp một số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tương đối lớn, sắp xếp 101 đơn vị hành chính cấp xã và chỉ còn lại 50 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp," Bộ trưởng nói.
Về tổ chức bộ máy của TP Thủy Nguyên, tức là thành phố trong thành phố, Bộ trưởng cho biết Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng, tức là sẽ trở thành trung tâm hành chính, chính trị của TP Hải Phòng. Tuy nhiên, không thể tăng được số lượng cán bộ, số lượng phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND cũng như các ban của HĐND Tp Thủy Nguyên.