Hà Nội: Cảnh báo nguy cơ lây lan dịch Covid-19 tại các chốt kiểm soát giấy đi đường

Cán bộ trực tại các chốt kiểm soát dùng tay cầm giấy đi đường có thể dẫn đến việc lây lan virus SARS-CoV-2 cho nhiều người nếu bản thân người có đó là F0 hoặc lây bệnh trong quá trình kiểm tra.

Sáng 9-8, đã xảy ra tình trạng ùn tắc, đông đúc, không đảm bảo giãn cách tại nhiều điểm chốt kiểm soát dịch Covid-19 sau khi TP Hà Nội có công văn hỏa tốc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường.

Trước tình trạng này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường do đợt giãn cách xã hội 14 ngày đầu người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông. Từ đó, xuất hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Trong sáng 9-8, tại điểm chốt kiểm soát giấy đi đường ở Nguyễn Chí Thanh đã xảy ra tình trạng ùn tắc- Ảnh: Ngô Nhung

Trong sáng 9-8, tại điểm chốt kiểm soát giấy đi đường ở Nguyễn Chí Thanh đã xảy ra tình trạng ùn tắc- Ảnh: Ngô Nhung

"Trong lần giãn cách xã hội lần thứ 2, Hà Nội muốn hạn chế, kiểm soát chặt hơn nữa người dân ra đường khi không thật cần thiết nên đã ban hành những quy định trên. Việc hạn chế người dân ra đường là điều cần thiết, nhưng đã dẫn đến thực tế xảy ra việc tụ tập đông người tại các chốt kiểm soát. Tụ tập đông người là một trong những yếu tố có thể làm lây lan dịch bệnh, dù có chủ động thay thụ động"- PGS Phu nói.

Cũng theo PGS Phu, với việc không đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 m thì nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu chẳng may trong số đó có F0. Nếu cán bộ trực chốt thường xuyên dùng tay cầm giấy đi đường, giấy tờ của người dân thì nguy cơ lây nhiễm cao cho nhiều người nếu cán bộ trực chốt là F0 và ngược lại nếu có người dân đi đường nào là F0 thì lại lây cho cán bộ trực và từ đó lây cho người khác. "Một ví dụ là chuỗi lây nhiễm Công ty SEI mà bảo vệ lây cho công nhân nhà máy"- PGS Phu dẫn chứng.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người dân nên hạn chế ra đường và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết để cùng chung tay với thành phố trong việc khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19.

Cũng theo PGS Trần Đắc Phu, hiện nay Hà Nội đang thực hiện tốt mô hình "vùng xanh an toàn" do nhiều lực lượng tự quản. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm soát người ra/vào, kiểm soát người lạ để bảo vệ vùng an toàn. Những người tự quản có thể đã biết cư dân ở đó nên chỉ phải lưu ý người lạ vào. Riêng với lưu thông ở đường lớn Hà Nội nên bố trí các đội kiểm soát, xử lý lưu động để kiểm tra, xử phạt những người dân vi phạm quy định và cũng để răn đe những ai vi phạm.

Mô hình "vùng xanh an toàn" do nhiều lực lượng tự quản tại Quận Hoàng Mai

Mô hình "vùng xanh an toàn" do nhiều lực lượng tự quản tại Quận Hoàng Mai

Ngày 8-8, UBND TP Hà Nội ra thông báo về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6-8-2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Theo đó, ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT, người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Mẫu giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận.

D.Thu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/canh-bao-nguy-co-lay-lan-dich-covid-19-tai-cac-chot-kiem-soat-giay-di-duong-20210809154105744.htm