Hà Nội: Chính sách học phí giàu ý nghĩa nhân văn trong năm học 2021- 2022
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua hai Nghị quyết ở lĩnh vực GD&ĐT liên quan đến mức thu học phí và cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021- 2022. Sau khi hiểu đúng, hiểu đủ tinh thần của hai Nghị quyết, dư luận xã hội và thầy cô giáo cho rằng, đây là chính sách thực sự nhân văn, kịp thời nhằm giúp đỡ, sẻ chia với phụ huynh học sinh để vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Vừa không tăng mức đóng so với năm học 2020-2021
Với Nghị quyết “Quy định mức thu học phí”,HĐND TP Hà Nội thống nhất: “Năm học 2021-2022 sẽ không tăng học phí”. Theo đó, học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021-2022 giữ như năm học 2020-2021.
HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết quy định mức trần học phí với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2021-2022. Theo đó, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2021-2022 giữ nguyên như năm học 2020-2021.
Quy định tại Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về khung học phí năm học 2021-2022 có nêu rõ: “Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do HĐND cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương”. Hàng năm UBND TP thực hiện trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội theo từng năm học”.
Giải thích rõ hơn về điều này, Hiệu trưởng trường THPT Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức Hoàng Chí Sỹ cho biết: Mức đề xuất thu học phí là công việc được tiến hành hàng năm, là cơ sở, căn cứ để các trường công lập thu tiền học phí của học sinh. Mức thu này không phải do Hà Nội nghĩ ra, hoặc có thể tự ý điều chỉnh tăng hoặc giảm mà phải bám vào quy định của Bộ GD&ĐT. Vào dịp đầu năm học, các trường sẽ nhận được công văn hướng dẫn về mức thu học phí đối với từng cấp học, từng khu vực do TP quy định. Theo đó, là trường THPT thuộc địa bàn nông thôn nên mức học phí của trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) là 95.000 đồng/tháng.
Chia sẻ về cách thức và mức thu học phí hàng năm, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm Bùi Thị Ngọc Lan cho hay: “Năm học trước, trường thu học phí với mức 155.000 đồng/tháng (quy định phí của trường THCS tại thành thị). Năm học này, do chưa nhận được công văn thông báo, hướng dẫn về mức thu học phí nên trường chưa triển khai thu bất cứ khoản gì của học sinh. Mức học phí hàng năm tăng hay giữ nguyên sẽ được HĐND TP thống nhất thông qua, sau đó mới thông báo về các đơn vị để triển khai thu”.
Như vậy, để có cơ sở triển khai thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội năm học 2021-2022 thì việc xây dựng Nghị quyết “Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2021-2022” là cần thiết. Và mức thu học phí năm học 2021-2022 được HĐND TP thông qua là “giữ nguyên như năm học 2020-2021”.
Vừa hỗ trợ 50% học phí do dịch bệnh Covid- 19
Điều 17 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về không thu học phí có thời hạn đã quy định: “Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng”.
Căn cứ điểm h khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, HĐND cấp tỉnh có quyền hạn: “Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội gây ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của Nhân dân, để chia sẻ, giảm bớt chi phí tài chính đối với phụ huynh, học sinh, việc ban hành chính sách “hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022” là vô cùng thiết thực và ý nghĩa.
Sau khi xem xét đề xuất của UBND TP, HĐND TP đã thống nhất mức hỗ trợ hàng tháng bằng 50% mức thu học phí đã được HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng vùng, từng cấp học và tương ứng với hình thức học thực tế của tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế (trực tiếp, trực tuyến), tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022. Dự kiến tổng kinh phí để hỗ trợ 50% mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô là gần 893 tỷ đồng (trong đó, cấp mầm non là hơn 378,7 tỷ đồng; cấp tiểu học là hơn 40,4 tỷ đồng; cấp THCS gần 258,6 tỷ đồng đồng và cấp THPT là hơn 215,1 tỷ đồng).
Cô giáo Trần Thị Minh- Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Ba Trại A, huyện Ba Vì chia sẻ: “Ba Trại A là một trong bảy xã miền núi thuộc TP Hà Nội; do đó, mức thu học phí năm học 2020- 2021 là 24.000 đồng/tháng (với trẻ 2- 4 tuổi) và 19.000 đồng/tháng (với trẻ 5 tuổi). Việc được giảm 50% học phí đồng nghĩa với việc trẻ 2-4 tuổi nơi đây sẽ đóng 12.000 đồng/tháng; còn trẻ 5 tuổi sẽ đóng 9,500 đồng/tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với phụ huynh ở vùng nông thôn, miền núi bởi khi dịch bệnh Covid- 19 xảy đến, nhiều cha mẹ không đi làm, không có thu nhập; trong khi các gia đình đều có 2-3 con ở độ tuổi đến trường”.
“Với chính sách mới này, học phí năm học 2021- 2022 không tăng; mặt khác, học sinh lại được hỗ trợ 50% mức học phí phải đóng. Cụ thể, mỗi học sinh trường THPT Hợp Thanh sẽ phải đóng 47,500 đồng/tháng (cấp THPT, vùng nông thôn). Đây là một chính sách cực kỳ nhân văn trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19 và là sự chia sẻ kịp thời với phụ huynh”- thầy Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) bày tỏ.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, việc UBND TP trình HĐND TP ban hành hai Nghị quyết trên đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội nhằm giảm bớt chi phí tài chính đối với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.