Hà Nội cho phép thí điểm tuyến vận tải hành khách mới: Phải đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ
'Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?' là nội dung tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức chiều nay, 6-12.
Sau 8 năm điều chỉnh luồng tuyến, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô đã được cải thiện, góp phần giảm ùn tắc và nâng cao ý thức tuân thủ các quy định. Song mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thí điểm một số tuyến mới làm dấy lên lo ngại xe khách thí điểm “lách” quy định để chạy xuyên tâm và hoạt động trá hình, từ đó phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vốn đang ổn định.
Vận tải hành khách liên tình đã hình thành thói quen đi lại với từng bến, từng tuyến
Từ cuối năm 2016, thành phố Hà Nội bắt đầu sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến xe khách giữa các bến xe, theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, trước đây, việc điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến vận tải hành khách trên cơ sở bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định và ưu tiên người dân đi lại thuận lợi.
Do đó, các tuyến đi các tỉnh Tây Bắc, phía Nam sẽ vào Bến xe Yên Nghĩa, các tuyến đi qua cầu Thăng Long vào Bến xe Mỹ Đình, các tuyến đi quốc lộ 1A vào Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm.
Bên cạnh đó, vẫn có những tuyến được ưu tiên giữ luồng ban đầu để phục vụ nhân dân, như tuyến đi Hải Phòng tại Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm, theo hướng cầu Thanh Trì.
“Việc điều chỉnh luống tuyến hợp lý để giảm ùn tắc giao thông và cơ bản đã đạt được mục đích. Các phương tiện tại đầu bến xe Hà Nội hoàn toàn tuân thủ quy định. Hành khách đã hình thành thói quen đi lại với từng bến, từng tuyến” – ông Nguyễn Tuyển nói.
Đánh giá về việc điều chuyển luồng tuyến vận tải của Hà Nội, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, kết quả đạt được rất tích cực. Ban đầu, một vài doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đến nay cơ bản đã ổn định. Các doanh nghiệp và địa phương đều đề nghị Hiệp hội báo cáo Bộ Giao thông Vận tải nên giữ quy định về luồng tuyến vận tải.
Kiểm soát chặt hoạt động thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh
Vừa qua, từ kiến nghị của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép Chi nhánh Hà Nội – Công ty cổ phần Vận tải Futa – Hà Sơn thí điểm chạy tuyến từ Bến xe Giáp Bát đến Bến xe thành phố Lào Cai, Bến xe Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và từ Bến xe Nước Ngầm đến Bến xe Sa Pa, trên cơ sở không khai thác vào những khung giờ cao điểm để tránh ùn tắc giao thông.
Tuyến vận tải thí điểm từ Bến xe Giáp Bát đến Bến xe thành phố Lào Cai, Bến xe Sa Pa và từ Bến xe Nước Ngầm đến Bến xe Sa Pa sẽ không khai thác vào khung giờ cao điểm (6h-9h sáng và 16h-19h30 chiều).
Hành trình di chuyển chủ yếu trên đường cao tốc theo hướng từ tỉnh Lào Cai đi quốc lộ 4D, tới nút giao IC 19 vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai trước khi tới quốc lộ 2, đến đường Võ Văn Kiệt, ra quốc lộ 5 kéo dài đến cầu Đông Trù.
Từ đây, xe tiếp tục theo quốc lộ 5 kéo dài tới đường Nguyễn Văn Linh , quốc lộ 1A tới cầu Thanh Trì, Ngọc Hồi, Giải Phóng đến Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm.
Nhiều ý kiến lo ngại, việc chấp thuận tuyến vận tải thí điểm nói trên liệu có dẫn tới tình trạng cạnh tranh không công bằng; xe khách thí điểm “lách” quy định để chạy xuyên tâm và hoạt động trá hình, từ đó phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vốn đang ổn định.
“Việc mở thêm các tuyến vận tải mới, đáp ứng yêu cầu của người dân là cần thiết nhưng các tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch. Cần đặc biệt lưu ý, việc mở tuyến thí điểm sẽ tạo ra tiền lệ. Một nơi thí điểm sẽ có thêm nhiều nơi muốn mở theo kiểu “trăm hoa đua nở” vì bài toán lợi nhuận. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi cơ quan chức năng phải quản lý chặt, phải kiểm tra, kiểm soát, báo cáo từng giai đoạn để thấy được hiệu quả hay bất cập cần khắc phục” – chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy lưu ý.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần rà soát lại công suất của các bến xe xem thực tế có thể đáp ứng tới đâu, nếu có đơn vị khác xin thí điểm thì sẽ đáp ứng được thêm bao nhiêu chuyến.
Việc thí điểm phải có cách quản lý khác so với bình thường. Khi có đơn vị thí điểm hoạt động sẽ có các đơn vị khác hoạt động trá hình. Hà Nội phải có định hướng giám sát và quản lý phù hợp. Thực hiện tốt điều này hay không phụ thuộc vào công tác phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải, các bến xe, cũng như thông tin công khai, minh bạch về thí điểm.
Trước lo ngại này, ông Nguyễn Tuyển khẳng định, khi cân nhắc đề xuất thí điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện, như: Phù hợp với tổ chức giao thông của thành phố; phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông.
Sở sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ. Nếu đơn vị không thực hiện đúng những nội dung đã cam kết, cố tình chạy xuyên tâm, cơ quan quản lý yêu cầu dừng ngay, không phải đợi đến hết thời gian thí điểm.
“Quan điểm của chúng tôi là không thí điểm ào ào, dẫn tới mất trật tự an toàn giao thông. Với mọi vấn đề, chúng tôi đều nghiên cứu, tính toán cụ thể để có những đề xuất phù hợp nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp” – ông Nguyễn Tuyển nói.