Hà Nội chốt hỗ trợ bữa trưa cho học sinh tiểu học
Chiều 9/7, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trong năm học tới.

Học sinh tiểu học ở Hà Nội sẽ được hỗ trợ bữa trưa bán trú. Ảnh: Hoàng Hà.
Việc hỗ trợ áp dụng với hai nhóm học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục ở Hà Nội, tự nguyện tham gia sử dụng dịch vụ bán trú (không bao gồm cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).
Nhóm 1 là các học sinh tiểu học đang theo học tại 23 cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn các xã miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo mức ăn tối thiểu 30.000 đồng/học sinh/ngày.
Nhóm 2 là học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục còn lại, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/học sinh/ngày (hỗ trợ bữa ăn chính).
Trường hợp phụ huynh và nhà trường thống nhất mức tiền ăn cao hơn so với mức Nhà nước hỗ trợ, phần chênh lệch sẽ thu của người học (đảm bảo mức ăn tối thiểu là 30.000 đồng/học sinh/ngày).
Thời gian hỗ trợ là năm học 2025-2026, tính theo số ngày ăn thực tế, không quá 9 tháng/năm học.
Theo tính toán của thành phố, dự kiến kinh phí hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trong năm học 2025-2026 là hơn 3.060 tỷ đồng (trong đó, khối công lập là 2.824 tỷ đồng; khối tư thục là 239 tỷ đồng).
Tổng số học sinh tiểu học được hỗ trợ khoảng 768.000 em, gồm 707.720 em thuộc khối công lập và 60.270 em thuộc khối tư thục.
Trước đó, Trung ương và thành phố chưa có chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học. Học sinh công lập của Hà Nội khi ăn bán trú sẽ phải nộp tiền ăn theo Nghị quyết số 03/2024 của HĐND thành phố. Mức trần dịch vụ tiền ăn bữa trưa là 35.000 đồng/em/ngày. Đối với học sinh trường tư thục, mức thu tiền ăn theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh.
UBND TP Hà Nội giải thích hỗ trợ bữa trưa cho cấp tiểu học do cấp này có số lượng học sinh lớn nhất so với các cấp học còn lại. Tiểu học là cấp học bắt buộc học hai buổi một ngày, các nhà trường đều tổ chức bữa ăn bán trú.
Về cơ sở vật chất phục vụ bữa ăn bán trú, cơ bản các nhà trường đáp ứng như phòng ăn, bếp ăn, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc tổ chức ăn bán trú...
Tiếp đó, cấp tiểu học đang trong độ tuổi phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, đòi hỏi năng lượng và dinh dưỡng đầy đủ nên việc tổ chức ăn bán trú cho 100% học sinh tại nhà trường là cần thiết.
Ngoài ra, học sinh được ăn trưa tại trường, phụ huynh sẽ không phải vất vả đưa đón con giữa buổi, tiết kiệm được thời gian, công sức, từ đó chuyên tâm vào công việc.
Sau khi triển khai chính sách với học sinh tiểu học năm học 2025-2026, căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổng kết, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố việc hỗ trợ các cấp học còn lại.
Việc chưa hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành phố lý giải do phần lớn học sinh ở đây là người nước ngoài, đều thuộc gia đình có điều kiện kinh tế, sẵn sàng chi trả mức học phí và bữa ăn bán trú cao hơn rất nhiều lần so với cơ sở giáo dục công lập và tư thục.
Bên cạnh đó, học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục này thường xuyên biến động do con phụ thuộc vào thời gian công tác và cư trú của cha mẹ tại Việt Nam.