Nhà giáo ưu tú Lê Thị Lan Phương – ngọn lửa âm thầm thắp sáng vùng cao
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Lê Thị Lan Phương là hình ảnh tiêu biểu của người giáo viên vùng cao giàu tâm huyết.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho cô Lê Thị Lan Phương.
Chọn nghề vì một chữ “duyên”
Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng – mảnh đất địa đầu Tổ Quốc với địa hình hiểm trở, đời sống còn nhiều thiếu thốn – NGƯT Lê Thị Lan Phương xem việc gắn bó với nghề giáo là một cơ duyên đặc biệt, từ duyên nghề đến sứ mệnh.
Cô chia sẻ: “Cao Bằng quê hương tôi là một vùng đất còn nhiều gian khó nhưng giàu truyền thống hiếu học. Tôi luôn tâm niệm rằng, được công tác và cống hiến cho sự nghiệp gieo chữ nơi đây là một vinh dự lớn lao và cũng là sứ mệnh không phải ai cũng có duyên gắn bó”.
Sự nghiệp trồng người của cô bắt đầu tại Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Đống Đa, xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Hạnh Phúc, tỉnh Cao Bằng), đây cũng là một trong những vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Vì thế, cô sớm thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của giáo dục vùng cao.
Đến năm 1998, cô chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng – một cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, cô càng ý thức rõ nét hơn về sứ mệnh của một giáo viên vùng cao.
Từ đó đến nay, gần 3 thập kỷ trôi qua, ngôi trường này đã được cô coi như là ngôi nhà thứ hai của mình, nơi cô không chỉ giảng dạy, truyền thụ tri thức mà còn chăm lo, dìu dắt, truyền cảm hứng sống và học tập cho các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng.
Là một nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm và giàu tình thương, NGƯT Lê Thị Lan Phương luôn nỗ lực tự học, tự rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong từng giai đoạn.
Là giáo viên dạy học môn Ngữ văn – môn học vốn được xem là “cầu nối” nuôi dưỡng tâm hồn, cảm xúc, góp phần hình thành nhân cách và khơi gợi niềm cảm hứng học tập cho học sinh, cô đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học.
Với tinh thần cầu thị và sáng tạo, cô đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng những phương pháp dạy học mới, linh hoạt vận dụng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh; chú trọng phát triển năng lực tự học, tư duy độc lập, kỹ năng phản biện, thuyết trình cho học sinh.
Bởi vì cô biết, học sinh dân tộc thiểu số vùng cao rất giàu nghị lực nhưng lại thiệt thòi nhiều mặt, cô biết các em cần một người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết đồng cảm, biết sẻ chia, … và cô đã cố gắng để trở thành một người thầy như thế.
Cô Lê Thị Lan Phương chia sẻ: “Các em đa phần sống xa gia đình, hoàn cảnh khó khăn, còn rụt rè, nhút nhát, khả năng tự học còn hạn chế. Nhưng cũng chính điều đó khiến tôi càng thêm gắn bó, thêm thương yêu và càng phải sáng tạo, kiên nhẫn để từng bước đồng hành cùng các em trong hành trình tìm kiếm tri thức”.

NGƯT Lê Thị Lan Phương bên các học trò vùng cao.
Lan tỏa tình yêu nghề và khát vọng giáo dục
Với những việc đã làm, NGƯT Lê Thị Lan Phương đã từng bước nâng cao chất lượng bộ môn Ngữ văn trong nhà trường, khẳng định uy tín của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong hệ thống giáo dục của tỉnh Cao Bằng.
Trong hành trình xây dựng và phát triển, nhà trường từng gặp không ít khó khăn: đã từng phải 13 lần chuyển địa điểm, không ít năm thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thậm chí cả… học sinh. Đến khi trường được trang bị cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ, vẫn có những bài toán khó đặt ra, làm sao sử dụng cơ sở vật chất có hiệu quả.
Với tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quản lý, NGƯT Lê Thị Lan Phương cùng tập thể giáo viên nhà trường đã từng bước kiên trì đổi mới, linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh, tận dụng mọi điều kiện để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, giải quyết bài toán khó của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn.
Trong vai trò hiệu trưởng, NGƯT Lê Thị Lan Phương đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Cô khuyến khích giáo viên, học sinh đổi mới cách dạy, cách học, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử… để học sinh vừa nâng cao tri thức vừa trưởng thành nhân cách. Với cô, học sinh không chỉ cần tri thức mà còn cần được thấu hiểu, dẫn dắt và yêu thương.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với cô là khi học sinh thực hiện video mang tên “Cô Phương của chúng em” để tham gia cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” do Công đoàn Ngành tổ chức và vinh dự giành giải Nhất cấp tỉnh. “Những lời mộc mạc, chân thành từ học sinh khiến tôi vô cùng xúc động. Đó là động lực tiếp thêm niềm tin rằng: Tình yêu thương là sức mạnh lớn nhất để nâng bước cho các em trưởng thành” – cô xúc động chia sẻ.
Không chỉ là nhà giáo giỏi, NGƯT Lê Thị Lan Phương còn là người lãnh đạo mẫu mực, tâm huyết với công tác quản lý và xây dựng đội ngũ. Dưới sự dẫn dắt của cô, Trường PTDTNT tỉnh Cao Bằng từng bước khẳng định vị thế là một trong những đơn vị tiêu biểu về chất lượng giáo dục dân tộc trong toàn tỉnh.
Cô từng nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Cao Bằng, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và các ban, ngành trao tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Năm 2023, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú – phần thưởng cao quý ghi nhận sự cống hiến không ngừng nghỉ của người nữ hiệu trưởng vùng cao.
Gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ giáo viên trẻ, NGƯT Lê Thị Lan Phương bộc bạch: “Hãy tận tâm với nghề và tận nghĩa với đời. Khi chúng ta đặt trái tim và trách nhiệm vào từng bài giảng, từng học sinh, thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”.
Từ một cô giáo Ngữ văn tận tụy đến một hiệu trưởng gương mẫu, NGƯT Lê Thị Lan Phương đã và đang là ngọn lửa âm thầm lan tỏa, tiếp thêm động lực cho các thế hệ học trò và giáo viên vùng cao Cao Bằng trên hành trình chinh phục tri thức và dựng xây tương lai.