Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi): Cần xác định rõ mô hình trường trung học nghề
Ngày 9/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp góp ý về dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt là học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyên Dung/
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) lần này không chỉ thay thế cho Luật hiện hành mà còn phải thể hiện được tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ. Vì vậy, việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật là rất quan trọng, cần làm rõ giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm các trình độ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và cao đẳng. Những hình thức đào tạo nghề do doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cung cấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi nhà nước không thể quản lí toàn bộ các mô hình dạy nghề ngoài hệ thống. Luật cũng cần tạo cơ sở để công nhận kỹ năng, chứng chỉ đào tạo, từ đó thúc đẩy học tập suốt đời, gia tăng năng lực cạnh tranh của người lao động.
Về mô hình trung học nghề, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, có thể đặt tên theo đặc thù lĩnh vực như “trung học kỹ thuật”, “trung học nghệ thuật”… tùy thuộc vào định hướng đào tạo. Quan trọng nhất là đảm bảo chương trình phù hợp, đội ngũ vững chuyên môn và có lộ trình triển khai rõ ràng.
Thứ trưởng cũng ủng hộ việc quy định giảng viên đồng cơ hữu trong Luật, nhưng lưu ý cần có định nghĩa rõ ràng. Người giảng dạy phải có bổ nhiệm, phân công, đảm bảo trách nhiệm và chất lượng như giảng viên cơ hữu; tránh tình trạng lạm dụng khái niệm này cho những trường hợp mời giảng không có cam kết lâu dài.
Đề cập về những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 chương và dự kiến 50 điều, quy phạm hóa từ 5 chính sách đã trình Chính phủ gồm: đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục; đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lí, sử dụng tài chính, tài sản; đổi mới cơ chế quản lí nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng minh bạch, hiệu quả.
Dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề – mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau Trung học Cơ sở. Bên cạnh đó, dự thảo mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy định cụ thể về giảng viên đồng cơ hữu, nâng chuẩn chương trình đào tạo và hệ thống bảo đảm chất lượng.
Dự thảo cũng bổ sung các quy định công nhận kết quả học tập, kỹ năng đã tích lũy; mở rộng đối tượng được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp như các cơ sở giáo dục nghệ thuật, cơ sở thuộc lực lượng vũ trang; cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư ra nước ngoài, phù hợp với xu thế hội nhập toàn diện.
Góp ý về một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất là việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật, Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định: Chương trình trung học nghề là bước tiến lớn, vừa góp phần phân luồng hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, nếu chương trình trung học nghề được quy định tương đương Trung học Phổ thông về văn bằng nhưng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì cần được cân nhắc để bảo đảm sự công bằng và tính thống nhất giữa các hệ đào tạo.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đề nghị, cần quy định rõ tỷ lệ nội dung chương trình trung học nghề, trong đó tối thiểu 2/3 thời lượng nên dành cho văn hóa phổ thông, 1/3 cho đào tạo nghề. Điều này không chỉ giúp học sinh đủ kiến thức thi lên đại học nếu có nhu cầu, mà còn bảo đảm kỹ năng nghề ở trình độ phù hợp.

Đào tạo kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Du lịch – Thương mại Nghệ An thu hút đông học viên. Ảnh: Bích Huệ/ TTXVN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá: Mô hình trung học nghề có thể gỡ điểm nghẽn về phân luồng và liên thông, nhưng cần xác định rõ việc sẽ xây mới hay chuyển đổi các trường trung cấp hiện có. Việc triển khai phải được chuẩn bị đồng bộ về chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Về phía các trường nghệ thuật, Giáo sư - Tiến sĩ Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bày tỏ đồng tình với định hướng của dự thảo: Nghệ thuật cần được đào tạo từ sớm và theo hệ thống. Mô hình trung học nghề nếu triển khai phù hợp sẽ tạo điều kiện để các em vừa có nền tảng văn hóa, vừa phát triển năng khiếu chuyên môn một cách bài bản.
Tham gia góp ý về vai trò doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tổ chức đào tạo. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào giáo dục nghề nghiệp như cách nhiều nước đã làm.