Hà Nội chủ động nhiều phương án ứng phó trước diễn biến của cơn bão số 3

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha)

Cơn bão số 3 được dự báo rất mạnh, diễn biến phức tạp và có thể ảnh hưởng tới nhiều địa phương, vì vậy để giảm thiểu những tác động do mưa bão gây ra, hiện các sở, ngành chức năng và ủy ban nhân dân các xã, phường của Hà Nội đã chuẩn bị nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó trước cơn bão này.

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng

Theo bản tin lúc 9h của Phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ), từ hôm nay (21/7) đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới báo động 1; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ… có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 2.

Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.

Mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ven sông, các ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông khu vực ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ như: xã Xuân Mai, xã Quảng Bị, xã Trần Phú, phường Chương Mỹ, xã Đan Phượng, xã Mỹ Đức, xã Thanh Oai, xã Hòa Xá, xã Vân Đình… Lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó với các tình huống mưa bão có thể xảy ra.

 Lãnh đạo phường Hồng Hà họp với các đơn vị chức năng về công tác phòng chống cơn bão số 3. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Lãnh đạo phường Hồng Hà họp với các đơn vị chức năng về công tác phòng chống cơn bão số 3. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Là một đơn vị hành chính cơ sở mới của Hà Nội, phường Hồng Hà bao gồm toàn bộ khu vực ngoài đê sông Hồng, với diện tích khoảng 16,61km² và quy mô dân số là hơn 126.000 người.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, lãnh đạo phường Hồng Hà cho biết ngay chiều 20/7, các lực lượng liên ngành gồm Đội Cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội), Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân phường và Công an phường Hồng Hà đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tuyến sông Hồng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3.

Theo ông Lê Hồng Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hồng Hà, Phường đã chủ động kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai, phân công lực lượng trực 24/24h, tăng cường kiểm tra tại các điểm xung yếu để không bị động trước tình huống bão đổ bộ.

Cùng với hoạt động kiểm tra, đoàn công tác đã trực tiếp tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống bão, vận động người dân và các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông đường thủy. Các nội dung tuyên truyền tập trung theo phương châm “4 tại chỗ,” bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Còn tại xã Minh Châu (xã đảo duy nhất của Hà Nội), ông Đinh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã thông tin, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão, mưa lớn, lũ và nguy cơ ngập lụt diễn biến của cơn bão số 3 gây ra các tình thế thời tiết nguy hiểm, sự cố thiên tai trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân xã đã yêu cầu các lực lượng khẩn trương thực hiện công tác phòng chống thiên tai theo hướng quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng con người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm, rà soát kỹ các khu dân cư, đặc biệt là khu vực có nguy cơ ngập sâu để phát hiện sớm những điểm không an toàn; Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là mưa lớn, bão, lũ; Chỉ đạo triển khai ứng phó kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ,” trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để người dân nắm rõ thông tin về nguy cơ mưa lũ, ngập úng.

 Lãnh đạo xã Minh Châu kiểm tra công tác an toàn tại các bến ngoài sông. (Ảnh: Xuân Quản/Vietnam+)

Lãnh đạo xã Minh Châu kiểm tra công tác an toàn tại các bến ngoài sông. (Ảnh: Xuân Quản/Vietnam+)

Cũng theo ông Đinh Tuấn Anh, Ủy ban nhân dân xã đã chuẩn bị đầy đủ phương án bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực và nhu yếu phẩm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị chia cắt.

Đặc biệt, đối với chăn nuôi, ủy ban nhân dân xã đề nghị các gia đình gia cố chuồng trại, che chắn cẩn thận, đảm bảo chắc chắn nhằm hạn chế sập đổ, tràn nước gây thiệt hại đàn vật nuôi. Di dời vật nuôi khỏi vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn và tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường để phòng chống mầm bệnh sau thiên tai.

Còn đối với trồng trọt, tập trung khơi thông mương rãnh, hệ thống thoát nước tại các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng ngập úng; chống đổ cây trồng, bảo vệ diện tích hoa màu, kiểm tra bờ vùng, bờ thửa, cũng như chuẩn bị vật tư nông nghiệp dự phòng như giống, phân bón để phục hồi sản xuất sau thiên tai.

"Kích hoạt" toàn bộ hệ thống

Hiện nay, mưa lớn đã xảy ra tại nhiều địa phương, vì vậy việc xây dựng các phương án để đảm bảo an toàn cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu.

Tại công điện số 08/CĐ-UNND, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các phường, xã chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai ứng phó; chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án ứng phó, bảo vệ, đồng thời, chủ động phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống mưa lũ, úng ngập xảy ra trên địa bàn; rà soát đến từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

 Người dân được tuyên truyền các biện pháp an toàn khi di chuyển bằng các phương tiện đường thủy. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Người dân được tuyên truyền các biện pháp an toàn khi di chuyển bằng các phương tiện đường thủy. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngay trong ngày 21/7, Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, phương án để tham gia đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện ứng phó cơn bão số 3.

Cơ quan này cũng đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo công tác cắt tỉa cây xanh; xây dựng các phương án bố trí lực lượng, trang thiết bị ứng phó các sự cố về hạ tầng giao thông, nhất là các điểm úng ngập, sự cố do cây xanh gãy đổ, sự cố về hệ thống chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Cùng với đó, Ban An toàn giao thông thành phố cũng yêu cầu Tổng Công ty vận tải Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cơn bão số 3 để có phương án ứng phó, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-chu-dong-nhieu-phuong-an-ung-pho-truoc-dien-bien-cua-con-bao-so-3-post1050879.vnp