Hà Nội chủ động phòng, chống sạt lở đất, đá khu vực rừng núi
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.

Khu vực sạt lở đất tại xã Minh Phú mùa mưa bão năm 2023. Ảnh minh họa
Là thành phố lớn với nhịp phát triển đô thị hóa nhanh chóng, thành phố Hà Nội vẫn còn 25 xã, phường có rừng và địa hình miền núi, đồi dốc trải dài, bao quanh Thủ đô. Mùa mưa bão đến gần cũng là lúc nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tại các khu vực này trở nên hiện hữu, đe dọa an toàn của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven rừng.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.
Những điểm nóng tiềm ẩn hiểm họa
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có gần 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hàng chục khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp phân bố rải rác ở các xã có địa hình đồi núi dốc đứng, địa chất yếu, tầng phủ mỏng và thường xuyên chịu tác động của mưa lớn kéo dài.
Trong mùa mưa bão các năm trước đây, trên địa bàn các xã: Xuân Mai, Hương Sơn, Kim Anh, Phú Cát, Quốc Oai, Yên Bài, Ba Vì… từng ghi nhận các vụ sạt lở, đổ cây rừng gây ách tắc giao thông, hư hại nhà cửa, thậm chí làm bị thương người dân.
Điển hình, ngày 24-7-2024, xảy ra vụ sạt lở đất tại xã miền núi Phú Mãn, huyện Quốc Oai (nay là xã Phú Cát, thành phố Hà Nội) làm sập một nhà dân, tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 2 tỷ đồng. Hay tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì (nay là xã Ba Vì, thành phố Hà Nội), một điểm sạt lở lớn đã vùi lấp đường liên thôn, cô lập khoảng 30 hộ dân trong nhiều giờ.
Trước đó, trong mùa mưa bão 2023, xảy ra vụ ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực hồ Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (nay là xã Kim Anh, thành phố Hà Nội), khiến nhiều phương tiện bị mắc kẹt… Đây là bài học cảnh tỉnh cho công tác chuẩn bị phòng, chống sạt lở ở các xã miền núi khi mùa mưa bão đến.
Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm, vấn đề đáng lo ngại là, hiện có nhiều khu dân cư nằm gần khu vực xung yếu, nhưng công tác cảnh báo và sơ tán vẫn chưa được các địa phương triển khai một cách bài bản. Việc người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng phòng tránh cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ thiệt hại.

Một vụ sạt lở trên địa bàn xã Phú Mãn (nay là xã Phú Cát) làm sập một nhà dân. Ảnh internet
Siết chặt kiểm tra, giám sát và sẵn sàng ứng phó
Để ứng phó hiệu quả bão số 3, bảo đảm an toàn cho người dân khu vực có rừng, ngày 20-7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND, yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các địa phương, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống sạt lở.
Cụ thể, UBND các địa phương có rừng được yêu cầu chủ động rà soát các điểm đồi núi, ven sông suối, khu vực có độ dốc cao dễ xảy ra lũ quét, sạt lở khi có mưa lớn; có phương án sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản; thông tin kịp thời về các dấu hiệu lũ quét, sạt lở đất rừng phải được gửi về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp, chỉ đạo xử lý.
Song song, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền cấp xã, trưởng thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác cao độ, đặc biệt tại các khu vực đồi gò, dân cư ven rừng. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng được nhắc nhở thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động thông báo hiện tượng bất thường như vết nứt đất, sụt trượt...
Đặc biệt, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội - đơn vị quản lý diện tích rừng bán tự nhiên lớn trên địa bàn thành phố đã kích hoạt phương án ứng phó 24/24 giờ. Lực lượng tuần tra được bố trí trực chiến tại các khu vực trọng điểm, sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền địa phương sơ tán động vật, ngăn ngừa tình trạng cây rừng gãy đổ hoặc gây ách tắc trong mùa mưa bão.
Một điểm đáng chú ý là tất cả các Hạt Kiểm lâm được yêu cầu báo cáo nhanh về Chi cục khi phát hiện các vụ sạt lở, lũ ống, lũ quét thông qua đường dây nóng 0248.589.3808, giúp nâng cao hiệu quả xử lý và cứu hộ tại chỗ trong tình huống khẩn cấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, sạt lở đất đá, lũ quét không phải là hiện tượng hiếm gặp tại các xã có rừng ở Hà Nội, song trước đây, việc ứng phó thường mang tính bị động, thiếu đồng bộ. Lần này, các cấp, ngành của thành phố đã cho thấy nỗ lực chuyển từ “phản ứng” sang “chủ động phòng ngừa”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia môi trường, để giảm thiệt hại do sạt lở đất rừng, rất cần sự chung sức của người dân địa phương. Bên cạnh tham gia các buổi tuyên truyền, người dân cần có ý thức giữ rừng, không khai thác bừa bãi, không xây dựng trái phép tại các vùng có địa hình không ổn định. Mỗi hộ dân sống gần rừng cần trở thành một “điểm cảnh báo” tại chỗ, phát hiện và báo cáo kịp thời dấu hiệu bất thường. Chính quyền địa phương cũng cần đầu tư thêm thiết bị quan trắc, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở; xây dựng phương án sơ tán dân cụ thể cho từng khu vực; việc tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai cần được làm định kỳ hàng năm...
Sạt lở đất rừng, lũ ống, lũ quét đang là hiểm họa tiềm ẩn tại nhiều xã miền núi của Hà Nội, đặc biệt trong mùa mưa bão. Chỉ khi các địa phương, lực lượng chức năng và người dân đồng lòng, chủ động từ khâu dự báo đến phương án ứng phó, mới có thể bảo vệ an toàn cho cộng đồng sống gần rừng. Và, phòng chống sạt lở không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành kiểm lâm mà là hành động thiết thực của cả hệ thống chính trị vì sự an toàn bền vững của Thủ đô…