Hà Nội chưa có cửa hàng outlet: Vì sao?
Sở Công Thương Hà Nội vừa đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn Sở về tiêu chuẩn, quy định và công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh outlet.
Sở Công Thương Hà Nội vừa đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn Sở về tiêu chuẩn, quy định và công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh outlet trên địa bàn thành phố nhằm hoàn thiện, phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh hiện đại, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết đề xuất thực hiện dự án của nhà đầu tư và công tác quản lý nhà nước đối với mô hình outlet.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay Việt Nam chưa có quy định pháp luật về loại hình kinh doanh outlet.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu mô hình kinh doanh outlet, Bộ Công Thương nhận thấy mô hình này chủ yếu liên quan đến hoạt động mua bán (phân phối) hàng hóa.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương tham khảo một số quy định đã có, như Luật Thương mại, Nghị định 81/2018, Nghị định số 09/2018, Nghị định số 98/2020, Nghị định số 31/2021.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở tham khảo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.
Được biết, hàng outlet là những sản phẩm được bán ra từ các cửa hàng hoặc nhà máy sản xuất, với giá thường thấp hơn so với giá bán lẻ ban đầu mà các hãng công bố. Các sản phẩm outlet thường là những sản phẩm cuối cùng của một mùa, một bộ sưu tập hoặc một mẫu thiết kế. Đôi khi nó còn là những sản phẩm lẻ size hoặc bị lỗi nhẹ.
Hàng outlet có nguồn gốc từ thập niên 1930 ở Hoa Kỳ, khi các nhà sản xuất bắt đầu tìm kiếm cách để tiêu thụ các sản phẩm quá cảnh kinh doanh. Phương thức bán sản phẩm này giúp các thương hiệu giảm bớt hàng tồn kho và tăng doanh số bán hàng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-chua-co-cua-hang-outlet-vi-sao-post295821.html