Hà Nội chuẩn bị gì để trẻ được học gần nhà, không cần phân tuyến?

Từ năm học 2026-2027, Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc gần nhà. Trước đó, TP.HCM đã bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6. Việc xác định và tối ưu hóa khu vực tuyển sinh dựa trên khoảng cách di chuyển của học sinh tại TP.HCM mang lại kết quả ra sao?

Kinh nghiệm nào có thể tham chiếu cho Hà Nội? Các vấn đề nào cần lường tới khi Hà Nội chuẩn bị triển khai mô hình này trong năm học tới?

Chị Hoàng Anh, ở Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM vừa đăng ký nhập học lớp 1 cho con vào trường học gần nhà theo hình thức trực tuyến. Theo chị, cách làm này rất thuận lợi cho phụ huynh: "Mình đã có con học lớp 1 cách đây 6 năm nên so sánh với con thứ 2 vừa đăng ký mình thấy rất tiện lợi. 6 năm trước, mình đi theo hộ khẩu và phải tìm trường, canh đúng giờ nộp hồ sơ còn giờ theo phân tuyến gần nhà thì tiện vì trường đó gần nhà mình và mình chỉ cần xem thông báo trên mạng của thầy giáo, theo thông tin đó mình đăng ký hồ sơ online hết".

TPHCM đã chính thức bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6.

TPHCM đã chính thức bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6.

Từ năm học 2024 – 2025, căn cứ vào hệ thống trường, lớp trên địa bàn, số lượng học sinh và thông tin về nơi ở hiện tại của học sinh, kết hợp sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để tính toán khoảng cách di chuyển của học sinh, các nhà trường tại TP.HCM sẽ tuyển sinh theo nguyên tắc bảo đảm quãng đường từ nhà đến trường không quá 4km đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, không quá 7km đối với học sinh THCS.

Qua thực tế triển khai tại TP.HCM, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, việc tuyển sinh không còn căn cứ vào địa giới hành chính hay nơi cư trú trên giấy tờ của các em học sinh và dựa vào nơi ở hiện tại của học sinh đã thêm nhiều thuận lợi cho các em và gia đình: "Trẻ em không mất nhiều thời gian để đến trường, cha mẹ có thêm thời gian để chăm sóc con, trẻ em cũng có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, cũng không bị từ chối nhập học do không có hộ khẩu tại địa phương giúp cho mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường. Nó cũng tăng tính linh hoạt cho phụ huynh lựa chọn một ngôi trường phù hợp và gần nhà".

Sau 2 năm triển khai, nhiều phụ huynh TP.HCM đánh giá tích cực về cách làm này khi nó tạo thuận lợi trong việc đi lại, đưa đón học sinh, hạn chế được những tiêu cực “chạy trường, chạy lớp”, phù hợp với quan điểm phổ cập giáo dục, góp phần bảo đảm quyền được học tập của trẻ em.

Cần chuẩn bị, tính toán sớm để triển khai thuận lợi

Thông tin về mô hình này sắp tới triển khai áp dụng tại Hà Nội cũng được đa số phụ huynh tại đây ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng nêu những vấn đề cần được chuẩn bị, tính toán ngay từ bây giờ để triển khai thuận lợi trên thực tế.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh Huy, Giám đốc điều hành Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory thấy trước nguy cơ quá tải cho các trường ở khu đông dân cư hoặc có danh tiếng: "Nó liên quan đến việc số lượng lớn mà trường đáp ứng không đủ, nếu dân số quá đông mà bạn nào cũng muốn vào thì ưu tiên bạn nào; có những trường nổi tiếng thì phụ huynh có thể tạm thời tính khoảng cách để vào được trường rồi sau đó quay về chỗ cũ. Mặc dù có thể nó ít nhưng là vấn đề cần tính trước".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với việc TP.HCM đã triển khai mô hình này thì các trường hợp đặc thù. thậm chí "lách luật" đã được nhìn nhận từ trước để tham chiếu cho Hà Nội lường trước và xử lý phù hợp. Để giải quyết bài toán này, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu lời giải cho chính sách ưu tiên học sinh chọn trường gần nơi cư trú: "Phụ huynh luôn muốn chọn nơi gần cho con tới học nhưng phụ huynh cũng muốn có “trường tốt” cho con em mình theo học. Vì thế, chất lượng trường công càng trở nên đồng đều thì việc chọn nơi/trường học càng không là vấn đề. Muốn vậy, Hà Nội cũng cần phải “đồng đều hóa” chất lượng giáo viên trên địa bàn Thủ đô để các cháu đến trường thuận lợi hơn và việc chọn trường sẽ giảm dần trong tư duy của cha mẹ khi cho con đến trường".

Về công nghệ khi áp dụng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ GIS trong quá trình để phân bổ học sinh vào học tại trường gần nơi cư trú tại Hà Nội, theo Thạc sỹ Phạm Văn Hiệp, giảng viên Bộ môn Bản đồ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất sẽ không có vấn đề gì khó khăn, hiện nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng công nghệ này rồi: "Sẽ xây dựng bản đồ có vị trí các trường và bản đồ về giao thông với lớp dữ liệu trường học được cập nhật. Người dân tích hợp vị trí trên điện thoại có thể tìm được vị trí gần nhất đến trường, thậm chí có cả thông tin về thời gian đi đến trường. Nó là ứng dụng của các bài toán phân tích không gian của GIS".

Còn PGS.TS Bùi Quang Thành, Trưởng khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ này khi GIS cho phép hiển thị và phân tích dữ liệu theo không gian như vị trí nhà của học sinh, các tuyến đường, khoảng cách tới trường học, hay tình trạng giao thông. Nhờ đó, các nhà quản lý giáo dục có thể xác định khu vực tuyển sinh một cách khoa học, hợp lý, tránh tình trạng dồn quá nhiều học sinh vào một số trường “nóng” gây quá tải hoặc ùn tắc vào giờ cao điểm: "Để triển khai thành công, điều quan trọng là cần có dữ liệu địa chỉ chính xác, cập nhật, và xây dựng nền tảng bản đồ trực quan, dễ sử dụng cho cả phụ huynh lẫn cán bộ quản lý khi tất cả mọi dữ liệu được số hóa và tất cả mọi quyết định được đưa ra trên dữ liệu dạng số".

Theo PGS.TS Bùi Quang Thành, công nghệ GIS khi triển khai trong thực tiễn sẽ không chỉ phục vụ quản lý giáo dục hiệu quả hơn, mà còn góp phần xây dựng một đô thị thông minh và phát triển bền vững. Và mặc dù có các vấn đề có thể phát sinh khi triển khai mô hình này nhưng các chuyên gia cho rằng, vấn đề không lớn và hoàn toàn kiểm soát được khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt cho nó.

Nguyễn Yên/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-chuan-bi-gi-de-tre-duoc-hoc-gan-nha-khong-can-phan-tuyen-post1197855.vov