Hà Nội chuẩn bị gì trước khi cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1?

Dự kiến từ ngày 1-7-2026, Hà Nội sẽ tiến hành cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1.

Ngày 13-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 20 về nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ từ 1-7-2026, Hà Nội phải chấm dứt hoàn toàn việc lưu thông mô tô, xe máy chạy xăng dầu trong khu vực Vành đai 1.

Tiếp theo, từ ngày 1-1-2028, Hà Nội sẽ hạn chế cả ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2. Đến năm 2030, phạm vi này được mở rộng ra toàn khu vực Vành đai 3.

Những tuyến phố nào sẽ bị cấm?

Theo quy hoạch, khu vực Vành đai 1 gồm các tuyến đường chính chạy qua trung tâm Thủ đô như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Minh Khai, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Đặng Tất, Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Thanh Niên, Yên Phụ, Cửa Bắc…

Tuyến Vành đai 1 dài khoảng 7,2 km, đang được hoàn thiện đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, nối các quận nội thành như Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). Khi đoạn tuyến này hoàn thành, Vành đai 1 sẽ khép kín, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát giao thông.

 Bản đồ các tuyến đường vành đai 1; 2; 2,5; 3 của Hà Nội, trong đó vành đai 1 là màu đỏ. Nguồn: Bộ Xây dựng.

Bản đồ các tuyến đường vành đai 1; 2; 2,5; 3 của Hà Nội, trong đó vành đai 1 là màu đỏ. Nguồn: Bộ Xây dựng.

Theo chỉ thị 20, từ năm 2030, việc chấm dứt hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ được mở rộng đến Vành đai 3, qua các tuyến như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Trường Chinh, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Cầu Thăng Long…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó khoảng 6,9 triệu là xe máy. Đáng chú ý, hơn 72% xe máy đã qua sử dụng trên 10 năm, phát thải lớn và gây ô nhiễm nặng nếu không được bảo dưỡng đúng cách.

Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ hoạt động giao thông, chiếm khoảng 58-74% tùy thời điểm, trong đó xe máy là "thủ phạm" lớn nhất, tiếp theo là xe tải và taxi.

Các chỉ số về bụi mịn tại Hà Nội cũng ở mức đáng báo động. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại TP thường xuyên vượt gần 2 lần so với quy chuẩn quốc gia, còn PM10 vượt từ 1,3 đến 1,6 lần.

Hà Nội đã chuẩn bị gì?

Theo tìm hiểu của PLO, từ năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017–2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch này tiếp tục được Hà Nội triển khai tại khu vực nội thành, với lộ trình cụ thể và từng bước được tính toán kỹ lưỡng.

Đến tháng 12-2024, HĐND TP tiếp tục thông qua nghị quyết triển khai vùng phát thải thấp (LEZ), có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Nghị quyết này chỉ rõ, trong giai đoạn 2025–2030, vùng LEZ sẽ được thí điểm tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, và khuyến khích mở rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc áp dụng LEZ sẽ trở thành bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao.

 Việc sử dụng phương tiện cá nhân chạy xăng, dầu quá niên hạn được xác định là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Việc sử dụng phương tiện cá nhân chạy xăng, dầu quá niên hạn được xác định là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Tại những vùng LEZ, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ như: cấm xe tải hạng nặng chạy dầu diesel; hạn chế hoặc cấm ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy không đạt mức 2 lưu thông vào các khu vực nhất định theo thời gian cụ thể.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông sạch, sử dụng ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Song song là các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, và áp dụng các giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Đặc biệt, vào tháng 6-2025, UBND TP Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) để bàn các giải pháp cụ thể giảm dần phương tiện chạy xăng dầu tại vùng LEZ. Trong đó, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện là một nội dung trọng tâm.

Ngoài chính sách hỗ trợ phương tiện sạch, Hà Nội đang hợp tác với các đối tác quốc tế như Nhật Bản và Liên minh châu Âu nhằm phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ xây dựng khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị, kết nối các khu dân cư lớn và các đầu mối giao thông trọng điểm, từng bước giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-chuan-bi-gi-truoc-khi-cam-xe-may-chay-xang-trong-vanh-dai-1-post860155.html