Hà Nội có nhiều dự án mà các đối tác Chính phủ và doanh nghiệp Pháp rất quan tâm
Chiều 14/4, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã diễn ra phiên Hội thảo chuyên đề 'Thành phố thông minh - Số hóa'. Hội thảo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, ông Denis Thuriot - Chủ tịch Vùng Never và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đồng chủ trì.
Những kinh nghiệm từ nước Pháp
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết: Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi và xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản trị quốc gia.
Tại Việt Nam, Trung ương đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng để làm nền tảng phát triển, xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”.
Từ thực tiễn xây dựng Thành phố thông minh, chuyển đổi số tại TP Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho rằng đây là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Trong quá trình đó cần sự tham gia, phối hợp đồng bộ, tổng thể từ các bên liên quan.
Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam: Nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do đó, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến trong chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Vì vậy, Hội thảo hôm nay là cơ hội đặc biệt quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ, giao lưu hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp của Pháp, từ đó, nghiên cứu áp dụng tại địa phương, đơn vị, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số để hướng đến mục tiêu cuối cùng là mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân địa phương mình.
Tại Hội thảo, các đơn vị đã chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại địa phương của mình. Cụ thể, ông Denis Thuriot - Chủ tịch Vùng Nevers chia sẻ, TP Nevers có khoảng 35 nghìn dân. Đây là Thành phố tầm trung của Pháp và đã có những ứng dụng chuyển đổi số mang lại tiện ích hiệu quả cho người dân. Nhận ra số hóa sẽ góp phần lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, khi bắt đầu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền địa phương đã đặt ra các câu hỏi là sẽ hướng vào đối tượng nào và mục tiêu là gì.
Thành phố xác định đối tượng là toàn bộ người dân, kể cả những người yếu thế. Thành phố thông minh là thành phố không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân được hưởng các tiện ích một cách dễ dàng. Đồng thời, thỏa mãn các điều kiện việc đi lại được thông suốt, năng động về kinh tế; cân bằng đáp ứng nhu cầu của người dân; có hoạt động văn hóa, sống động. Khi triển khai thành phố thông minh, xác định yếu tố đầu - cuối không phải là thiết bị, máy tính mà chính là người dân sống trong đô thị đó.
Nevers cũng đã thử nhiệm giao thông thông minh; triển khai thí điểm xe tự động, kết hợp giao thông hỗn hợp; làm việc với tập đoàn hàng đầu của Pháp để ứng dụng đổi mới công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong cung cấp nước.
Ngoài ra, chuyển đổi số, sáng tạo cũng được áp dụng trong giáo dục, khai thác tài nguyên. Chủ tịch Vùng Nevers cho hay chính sách của Thành phố là kêu gọi triển khai tri thức mở để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia; thực hiện liên minh các thành phố tầm trung. Việt Nam có thể học hỏi và hiện nay tri thức rất sẵn trên Internet chúng ta phải đối mặt như thế nào và sử dụng công cụ số đó như thế nào.
Chia sẻ tham luận về “Thành phố cảng thông minh”, bà Caroline Leclerq - Phó Thị trưởng TP Le Havre cho biết, mục tiêu năm 2030, Thành phố trở thành điển hình của Pháp trên quy mô thế giới về đô thị có cảng quốc tế, chất lượng đời sống và hiệu suất công nghiệp; Xây dựng một nền tảng số liệu lớn - Big data về cảng và người dân mang tính điển hình, hỗ trợ dịch vụ đổi mới nhất cho người và hàng hóa
Thành phố đã thực hiện nhiều dự án, trong đó có Mobi Smart Port đảm bảo thông suốt trong vận tải hành khách và hàng hóa trên lãnh thổ; 5G Lab quy tụ các doanh nghiệp lớn triển khai mạng 5G sử dụng trong các lĩnh vực sau, Bốc dỡ trong cảng (kết mối phương tiện bốc dỡ, kết nối bảo trì…); Dịch vụ biển thông minh.
Hướng tới xây dựng TP Hà Nội thông minh và phát triển bền vững
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trong thời gian qua, TP Hải Phòng cũng xác định, định hướng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Nhiều kết quả đã đạt được như: 100% dịch vụ công mức 4; 100% người dân, doanh nghiệp được định danh điện tử; Các hệ thống văn bản điện tử được sử dụng triệt để, tỷ lệ văn bản quá hạn giảm xuống. Hoạt động bộ máy chính quyền; dịch vụ công được thực hiện trên không gian mạng; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, xử lý hồ sơ đúng hạn đạt trên 95%...
Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi số dựa trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. TP Hải Phòng cũng đang nghiên cứu, tập trung xây dựng phát triển đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, triển khai chuyển đổi số thực hiện quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh tích hợp trên nền ứng dụng địa lý (GIS), đồng thời, tập trung đầu tư, hoàn thiện về Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, bên cạnh việc nghiên cứu, triển khai, xây dựng, hoàn thiện dần Hệ thống hạ tầng viễn thông thông minh (ICT), sớm tích hợp đồng bộ, làm cơ sở cho việc xây dựng phát triển đô thị thông minh, bền vững thành phố Hải Phòng, gắn kết với khu vực và quốc tế.
Tham luận với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh và số hóa tại thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Hà Nội là một đô thị hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng hệ thống các trường học, bệnh viện thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các lĩnh vực là giải pháp TP Hà Nội đang thực hiện nhằm hướng tới xây dựng TP Hà Nội thông minh và phát triển bền vững.
Xây dựng Thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của Chính quyền TP Hà Nội trong quá trình triển khai xây dựng TP Hà Nội thông minh. Ngoài ra, ở thành phố thông minh, chuyển đổi số ngoài yếu tố công nghệ thì quan trọng nhất vẫn là con người và thể chế.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết, năm 2023, TP Hà Nội mong muốn rằng sẽ có giải pháp căn cơ, song hành để đạt mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xây dựng nền móng cơ sở hạ tầng cho Thành phố thông minh với Trung tâm giám sát và điều hành tập trung kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin các lĩnh vực đời sống xã hội của Thành phố, hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp, khai thác và cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ các cấp lãnh đạo ra quyết định kịp thời, chính xác.
Nhấn mạnh xây dựng thành phố thông minh đã là một xu hướng tất yếu và cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần từ chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và tri thức. Tại Hội thảo, TP Hà Nội mong muốn các đối tác, doanh nghiệp Pháp quan tâm, xem xét hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua cơ chế tài trợ dự án, thông qua các Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư...
Hiện nay, Hà Nội có nhiều dự án mà các đối tác Chính phủ và doanh nghiệp Pháp rất quan tâm, như: Khu Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội, dự án khu CNTT tập trung Đông Anh. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, Hà Nội có Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Vườn ươm sẽ được tạo điều kiện về cơ chế chính sách để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hà Nội cũng mong muốn các đối tác và doanh nghiệp Pháp tham gia tư vấn về xây dựng Đề án thành phố thông minh, giao thông thông minh. Tư vấn chuyển giao công nghệ thông minh trong lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường, y tế, giáo dục và an toàn vệ sinh thực phẩm...
Kết thúc Hội thảo, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đánh giá cao tham luận của các đại biểu, đồng thời, khẳng định thông qua Hội thảo đã khẳng định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là một trọng tâm hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp trong thời gian tới.