Hà Nội có quy định mới về diện tích tách thửa, hợp thửa từ 7/10
Bắt đầu từ ngày 7/10/2024, tại các phường, thị trấn của TP. Hà Nội, diện tích tách thửa đối với đất ở là từ 50 m2 trở lên. Đồng thời, chiều dài và chiều rộng theo quy định phải từ 4 m trở lên.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định số 61/2024/ QĐ- UBND "Quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội". Nội dung quyết định này nhận được sự quan tâm rất lớn bởi liên quan tới hạn mức giao đất, các quy định về tách thửa, hợp thửa. Vấn đề được quan tâm nhất là diện tích, kích thước tối thiểu, quy định về tách thửa với từng loại đất.
Các vấn đề này có trong nội dung Điều 14 về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất, thực hiện khoản 4 Điều 220 Luật Đất đai.
Theo đó, để tách thửa đối với đất ở phải phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai quy định về tách thửa đất và các điều kiện sau:
Tại các phường, thị trấn: thửa đất có chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới đường đỏ từ 4m trở lên, chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa là từ 4m trở lên, diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2.
Với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiếu không dưới 80m2, với các xã vùng trung du, diện tích tối thiểu không dưới 100m2 và với các xã miền núi, diện tích đất không nhỏ hơn 150 m2.
Điều kiện tách thửa đối với thửa đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở), tại các phường, thị trấn, đất thương mại dịch vụ sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 400m2, đất phi nông nghiệp (không phải thương mại dịch vụ) có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 800m2.
Tại các xã còn lại, đất thương mại dịch vụ sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 1.000 m2, đất phi nông nghiệp (không phải thương mại dịch vụ) có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 2.000m2.
Quy định cũng đã đưa ra các điều kiện tách thửa đối với thửa đất nông nghiệp tại các khu vực khác nhau. Quy định cũng đưa ra bảng phân loại các xã, theo đó các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai có các xã được phân loại thuộc xã vùng miền núi, xã vùng đồng bằng, xã vùng trung du. Huyện Sóc Sơn có xã vùng đồng bằng và trung du.
Thị xã Sơn Tây có các xã vùng trung du bao gồm Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn.
Tất cả các xã của các huyện bao gồm Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa là các xã đồng bằng.
Đất tại các quận bao gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân là đất thuộc phường, thị trấn, và thửa đất phải có diện tích sau tách thửa tối thiểu 50m2 mới được phép tách thửa.
Quyết định số 61/2024/ QĐ- UBND sẽ có hiệu lực từ ngày 7/10/2024.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - nói một số ý kiến lo ngại giá nhà tăng nếu quy định trên được áp dụng sẽ khiến giá nhà nội thành tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, theo quy định cũ, diện tích tách thửa ở nội đô là 30m2 hiện nay những mảnh đất nào đủ điều kiện đã tách thửa hết. Do đó, dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa mới được áp dụng sẽ không tác động tới giá thành và thị trường quá nhiều.
Dù thế, theo ông Đính, việc này cũng làm khả năng tiếp cận nhà ở của một số người hạn chế hơn. Ví dụ, trước kia có rất nhiều căn nhà xây sẵn khoảng 30m2, nhiều người sẽ dễ tiếp cận hơn. Nhưng nếu dự thảo quy định mới được áp dụng với diện tích tách thửa lớn thì giá trị căn nhà sẽ tăng cao. Do đó, ông cho rằng thành phố cần có chiến lược phát triển nhà ở xã hội trước khi áp dụng quy định mới để người dân đều có thể tiếp cận nhà ở.