Hà Nội có thực sự không thiếu trường học?
Hà Nội có thực sự không thiếu chỗ học, trường học như khẳng định của vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thủ đô?
Chỉ thiếu cục bộ?
Câu chuyện phụ huynh có con vào lớp 10 ở Hà Nội khổ sở tìm trường học cho con đang trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn mạng xã hội.
Để có chỗ học cho con, phụ huynh phải thức xuyên đêm ngồi thành những hàng dài chờ đợi nhà trường phát hồ sơ đã trở thành đề tài tranh luận bỏng rát.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập ít, không đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Có trường hợp học sinh có kết quả thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với mức điểm cao trên 40 điểm nhưng vẫn không thẻ đỗ trường công lập.
Trong khi đó tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND TP.Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, chúng tôi khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học.
Vị Giám đốc ngành Giáo dục Hà Nội khẳng định điều này khi nói về việc hàng trăm phụ huynh Hà Nội xếp hàng thâu đêm để có 1 suất học lớp 10 cho con.
Tuy vậy, nhiều phụ huynh cho rằng, thông tin Hà Nội không thiếu chỗ học là chưa chính xác và không đầy đủ. Các huyện ngoại thành không thiếu trường công, học sinh đạt 4 điểm 1 môn đã có thể đỗ trường THPT công lập, thế nhưng khu vực nội thành lại thiếu trường lớp trầm trọng khiến áp lực tuyển sinh vào lớp 10 khu vực nội thành luôn căng như dây đàn.
Không chỉ vào lớp 10, mà việc tuyển sinh vào lớp 6 năm nay tại Hà Nội cũng rất vất vả khi cả Thành phố tăng hơn 40.000 học sinh so với năm 2022.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, nhiều phụ huynh học sinh tại khu vực CT7, Dương Nội, Hà Đông còn đang bức xúc khi cả khu vực chỉ có một trường cấp 2 công lập đúng tuyến để đáp ứng nhu cầu học của học sinh.
Tuy vậy, việc nhà trường thực hiện yêu cầu tự chủ tài chính theo lộ trình mà Hà Nội đặt ra buộc phụ huynh đang đứng trước một thực tế là phải chấp nhận cho con học trường công tự chủ tài chính với học phí tăng gấp vài chục lần so với học phí trường công bình thường.
Một phụ huynh học sinh bức xúc cho rằng họ không có lựa chọn nào khác bởi cả khu vực chỉ có một trường công duy nhất, nếu không học thì biết học tại đâu trong khi đó mức học phí của nhà trường khi lên tự chủ tài chính có thể tăng phi mã từ 300.000 đồng/tháng lên mức học phí dự kiến khoảng 5-6 triệu đồng/tháng
Cấp mầm non cũng không ngoại lệ. Một phụ huynh khác sống tại chung cư HDI Tây Hồ cho hay, tổng 4 tòa nhà là 600 căn hộ, nhưng chỉ có duy nhất 1 trường mầm non thư thục với mức phí 6 triệu đồng/tháng.
Chung cư ở Hà Nội mọc lên như nấm nhưng số lượng trường lớp lại chưa tương xứng, chỗ nào càng đông dân thì áp lực trường lớp cho con cái càng lớn.
Nêu quan điểm về vấn đề thiếu trường học tại Hà Nội, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, người đứng đầu ngành Giáo dục và thành phố cần chịu trách nhiệm,
GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng khẳng định Hà Nội không thiếu trường lớp là chưa đúng, chỉ nhìn riêng quận Hoàng Mai đã thấy rõ sự thiếu hụt trường lớp ra sao, khi ngay từ bậc mầm non phụ huynh đã phải bốc thăm cho con vào trường công, cấp tiểu học phải học luân phiên vì thiếu lớp học.
Thẳng thắn nói rằng ở Hà Nội có nhiều vị trí đẹp đã dành hết cho việc xây chung cư, nhiều dự án treo gây lãng phí đất đai, nhưng đất xây trường lại không có.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn đang dẫn đến những bất cập. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, ngành Giáo dục cần tham mưu cho địa phương với dân số như vậy sẽ cần quy hoạch thêm bao nhiêu trường mẫu giáo, trường tiểu học, dự án phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu về các thiết chế xã hội như giáo dục, trường học mới được phê duyệt.
Ngành giáo dục cũng cần tính toán cần thêm bao nhiêu giáo viên để chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, việc quy hoạch các trường không chỉ là trường ngoài công lập, trường quốc tế. Bởi thực chất, tại các khu đô thị có trường tư nhưng mức chi phí quá cao, người dân sẽ rất khó theo kịp. Việc quy hoạch cần đáp ứng nhu cầu chung toàn cộng đồng.
“Nếu mỗi khu đô thị mới có 1 vài trường tư xa xỉ, với mức học phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng thì không thể đáp ứng nhu cầu chung của người dân, phải tính đến trường của cộng đồng, xã phường, đảm bảo cho con em đủ chỗ học bậc phổ thông, đảm bảo mọi học sinh đều được đi học, đủ để đào tạo có chất lượng”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Được biết, năm nay Hà Nội đã chủ động phân luồng, cụ thể có gần 30.000 học sinh sẽ vào học các trường tư thục, trường công lập tự chủ, chiếm tỷ lệ 23,2%; Có khoảng 7,7% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 học trung tâm giáo dục thường xuyên và 13,4% vào học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đông nhất có khoảng 72.000 học sinh vào các trường THPT công lập.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân luồng sau bậc THCS cần được tôn trọng. Học sinh không thể học 100% ở công lập và cũng không thể 100% em tốt nghiệp THCS lên theo học bậc THPT. Các em cần được phân luồng phù hợp với năng lực của mình. Theo đó, sẽ có nhiều em đi học nghề, vừa học vừa làm.
Tuy vậy, nhiều phụ huynh khi được hỏi vẫn muốn con em mình theo học hết THPT. Họ cho rằng sang tuổi 16, các em học xong THCS chưa đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động sau vài năm học nghề. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, chất lượng hệ thống các trường nghề hiện nay vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học. Vậy nên phụ huynh, học sinh vẫn e ngại với trường nghề và coi đó là giải pháp bần cùng, bất đắc dĩ mới phải chọn.
Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra một số giải pháp.
Theo đó để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn TP trong thời gian tới được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023 - 2024.
Cụ thể, cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh...
Tuy nhiên, về lâu dài đó là việc ưu tiên đầu tiên là dành quỹ đất để xây thêm trường công lập, nhất là tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Cùng với đó là đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập;
Đầu tư, phát triển trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên thành trung tâm đào tạo học tập suốt đời, chất lượng cao; cho phép thí điểm liên kết đào tạo với trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân Thủ đô.
Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, HĐND thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân sau khi hoàn thành chương trình THCS gồm:
Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); Trường THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); Trường THPT tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Trường THPT Việt Hưng (quận Long Biên); Trường THPT Uy Nỗ, Trường THPT Nguyên Khê và Trường THPT Việt Hùng ( huyện Đông Anh).
Căn cứ dữ liệu về học sinh phổ thông trên Cơ sở dữ liệu Ngành, dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp, cụ thể:
Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023-2024.
Về quy mô các trường trung học phổ thông công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản):
Đến năm học 2024-2025, dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024).
Đến năm học 2025-2026, có khoảng 123 trường (tăng 4 trường so với năm học 2023-2024).
Đến năm học 2026-2027, có khoảng 125 trường (tăng 6 trường so với năm học 2023-2024).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-co-thuc-su-khong-thieu-truong-hoc-d194079.html