Hà Nội coi sự hài lòng của người dân là sản phẩm cuối cùng của cải cách hành chính

Ngày 13/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải - Phó Trưởng ban chỉ đạo Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố chủ trì giao ban Ban chỉ đạo tháng 11/2024.

Nhiều con số ấn tượng

Về triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), thành phố Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.191 thủ tục hành chính (TTHC) trong tổng số 1.885 TTHC thực hiện trên địa bàn.

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc TTHC nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Điểm nổi bật là thành phố đã triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội. Đây là đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của trung ương - một đơn vị chưa từng có tiền lệ, là một kết quả nghiên cứu kỹ của Ban chỉ đạo Trung ương để đưa ra mô hình này trên cơ sở đúc rút các mô hình đã triển khai từ trước đến nay về hành chính.

Về việc thực hiện việc mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, đến nay đã đạt kết quả cao. Tháng 10/2024, đã hoàn thành chi trả trợ cấp an sinh xã hội kỳ tháng 10 cho 291.638 người hưởng chính sách an sinh xã hội với kinh phí chi trả tháng 10 là hơn 343 tỷ đồng.

Hà Nội đã bố trí 172 bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Ảnh: TL

Hà Nội đã bố trí 172 bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Ảnh: TL

Tổng số người tham gia và hưởng các chế độ hàng tháng do Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội (BHXH) đang quản lý là hơn 7,99 triệu người. Số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào xơ sở dữ liệu ngành BHXH và xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 7,7 triệu người, đạt 96,6% tổng số người tham gia BHXH, BHYT và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH thành phố quản lý.

Về triển khai thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh, đến tháng 10/2024, thành phố đã bố trí 172 bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 09/30 quận, huyện, thị xã; đã có 674.543 lượt giao dịch với tổng số tiền là 6,8 tỷ đồng.

Những kết quả ấn tượng của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua đối với việc tiên phong, đi đầu cả nước trong lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực y tế, trọng tâm là thiết lập Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Đây là tiền đề quan trọng để ngành Y tế các địa phương trên cả nước học tập và nhân rộng, triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Đến cuối tháng 10/2024, 100% cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe trực thuộc Sở Y tế đã hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng giám định bảo hiểm y tế (BHYT).

Thực hiện nhiệm vụ với 3 nguyên tắc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá cao kết quả đã đạt được của các đơn vị. Với các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị gửi Văn phòng UBND TP. Hà Nội để tổng hợp báo cáo thành phố.

Về dự toán năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, trên cơ sở nội dung của kế hoạch năm 2025 thì sớm có dự toán nhưng cần đặc biệt chú ý tránh lãng phí. “Cần giải pháp thông minh và cách làm mới với phương châm tích hợp các giải pháp “xanh”, giải pháp “số” để tránh lãng phí, có như vậy chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng lên”- ông Hà Minh Hải nêu rõ.

Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố họp giao ban.

Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố họp giao ban.

Chỉ ra nhiều chỉ tiêu có nguy cơ chậm muộn trong quá trình thực hiện Đề án 06, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng bằng chính sự hài lòng của người dân; kết quả phải thực chất, hiệu quả; phải quyết tâm, không bằng lòng với kết quả đã đạt được vì không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng “đi trước, về sau”; kết quả cuối cùng phải thông minh, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

“Hà Nội có mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để xây dựng chủ trương chính sách, sự hài lòng của người dân là sản phẩm cuối cùng của cải cách hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ với 3 nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật, luôn luôn lắng nghe, thái độ phục vụ; cùng 6 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, sản phẩm cụ thể” - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh./.

Về phát triển công dân số, TP. Hà Nội đã thu nhận hơn 6,3 triệu tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 (đạt 106,9%); kích hoạt hơn 5,6 triệu tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,7%).

Tính đến ngày 23/10/2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản Ứng dụng iHanoi đạt hơn 1 triệu tài khoản (đạt 19% trên 5,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, có thiết bị thông minh); khoảng 9 triệu lượt người dân đã truy cập khai thác, sử dụng Ứng dụng iHanoi….

Diệu Hoa-Quốc Trí

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-coi-su-hai-long-cua-nguoi-dan-la-san-pham-cuoi-cung-cua-cai-cach-hanh-chinh-163923.html