Hà Nội: Còn 8.000 chỉ tiêu giáo viên biên chế chưa được dùng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết Hà Nội hiện còn 8.000 chỉ tiêu giáo viên biên chế chưa được dùng. Điều này sẽ gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT tham mưu Bộ Nội vụ tiếp tục giao biên chế giáo viên trong các năm học tới.
Những “điểm sáng” của giáo dục Thủ đô
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Trần Thế Cương khẳng định, năm học 2023-2024, sự nghiệp giáo dục Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm. Toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông, tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.
Hà Nội đã tổ chức công khai, minh bạch kỳ tuyển dụng viên chức làm việc tại các trường, cơ sở giáo dục thuộc thành phố quản lý (tuyển dụng được 1.038 viên chức); Thành phố Hà Nội có một “Nhà giáo Nhân dân” và 55 “Nhà giáo Ưu tú” được Chủ tịch nước phong tặng…
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh Thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11), trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua.
Hà Nội là địa phương có số bài thi điểm 10 nhất cả nước với 915 điểm 10, 1 thí sinh đạt tổng điểm thi cao nhất cả nước (57,85 điểm). Ngoài ra, học sinh Thủ đô còn giành 339 huy chương, xếp thứ 2 toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024.
Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, Hà Nội có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic môn sinh học và Huy chương Vàng Olympic môn hóa học năm 2024.
Công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm. Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6%.
Đáng chú ý, năm học 2023-2024, các trường học đã kết nạp Đảng cho 200 học sinh, cao hơn 2 lần so với năm học trước. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô được thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô.
Nhiều điểm “tắc nghẽn” cần thẳng thắn nhìn nhận
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục quan tâm một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, công tác chỉ đạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Hà Nội cần giải quyết một số vấn đề còn là điểm nghẽn như tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo tỉ lệ còn thấp. Nếu không có lộ trình đào tạo bồi dưỡng, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới. Hà Nội hiện còn hơn 8.000 chỉ tiêu biên chế chưa được sử dụng, lớn nhất cả nước. Điều này sẽ gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT tham mưu Bộ Nội vụ tiếp tục giao biên chế giáo viên.
Các vấn đề còn tồn đọng: Việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số; tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học còn chậm. Tại một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, sĩ số học sinh cao như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa...
Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành vẫn nhiều chênh lệch. Một số đơn vị còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đội ngũ cán bộ nhân viên kế toán, y tế, giáo viên âm nhạc, tin học toàn Ngành vẫn thiếu nhiều...
Thiếu cơ sở dạy học cũng là vấn đề nan giải hiện tại ở Hà Nội mà các cấp, ban, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận để tìm hướng giải quyết.
Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025: Giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học, nhất là các quận trung tâm
Ông Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Thành phố đề xuất xây dựng phương án, giải pháp và giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học, nhất là các quận trung tâm.
Ngoài ra, trong năm học mới, thành phố tăng cường chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ưu tiên đầu tư phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; rà soát, bổ sung các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Trong năm học 2024-2025, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành là xây dựng và hoàn thiện đề án đưa Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây thành trường THPT chuyên. Khi hai trường này chính thức trở thành trường chuyên, Hà Nội sẽ có 4 trường THPT chuyên, gồm: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, giai đoạn 2025 - 2030, toàn thành phố có kế hoạch xây thêm 30-35 trường THPT công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện trong giai đoạn rà soát. Ví như, quận Cầu Giấy sẽ xây thêm 3 trường THPT công lập; quận Tây Hồ sẽ xây 8 trường nữa từ bậc mầm non tới THPT từ nay tới năm 2025...
Cũng trong năm qua, quận Hoàng Mai khởi công xây dựng 17 trường công lập. Có 4 dự án trường học từ mầm non tới THPT dự kiến hoàn thành trong năm học 2024-2025.
Đặc biệt, có 7 trường liên cấp tiểu học, THCS - THPT hiện đại đã được lên kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí nguồn vốn để xây dựng.
Để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới, ngành GD&ĐT cần bám sát vào nội dung hướng dẫn nhiệm vụ năm học các văn bản chỉ đạo và Bộ GD&ĐT đã ban hành với tinh thần chủ động sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô. Với quy mô lớn, loại hình cơ sở giáo dục đa dạng, cần tăng cường chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng cũng đề nghị thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cả công lập và ngoài công lập; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên; xây dựng các phong trào thi đua, để các phong trào này trở thành điểm sáng nhân rộng và là những mô hình học tập của nhiều Sở GD&ĐT; có giải pháp cụ thể, xây dựng Thủ đô gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO.
Trước những nhiệm vụ của ngành giáo dục, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh: “Trước mắt cần quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trường học, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; phát động phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp trồng người, vì thế hệ tương lai của Thủ đô và đất nước”.
Năm học mới 2024-2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc thực hiện và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Đây cũng là năm học có ý nghĩa thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, đồng thời thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.