Hà Nội: Còn nhiều bất cập trong các dự án vì môi trường

Trong những năm gần đây, với mục tiêu vì một Thủ đô xanh, nhiều dự án vì môi trường đã được tiến hành. Dù có đem lại ánh sáng tích cực, tuy nhiên, những dự án đó hiện tại đang 'sống lay lắt' hoặc 'chết' bởi đi chệch mục đích ban đầu.

Dự án “Thí điểm” thùng rác công nghệ... 200 tỷ đồng

Với mục đích nâng cấp mỹ quan và thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải. Hà Nội đã triển khai dự án 12.000 thùng rác công nghệ có giá trị lên tới 200 tỷ đồng được kì vọng tạo cơ hội cho người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.

Trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa), mô hình thùng rác công nghệ đã mất đi thùng rác, chỉ còn lại tấm pin năng lượng mặt trời.

Tại các tuyến đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy), Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân), Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa),.. hầu hết rác thải không được phân loại, ứ đọng, tràn lan trên các tuyến đường, làm mất mĩ quan đô thị.

Theo ghi nhận thực tế, có trường hợp ở phố Nguyễn Chí Thanh, thùng rác đã được tháo gỡ, chỉ còn mỗi tấm pin năng lượng mặt trời. Ở phố Nguyễn Chánh, thùng rác công nghệ chỉ là một “ mô hình” không tác dụng khi hai thùng đựng rác bên trong đã bị lấy đi mất.

Chị Lê Thị Hương (nhân viên vệ sinh trên đường Nguyễn Chánh) với 3 năm làm nghề chia sẻ: “Trước kia có thùng rác để phân loại nhưng hiện giờ các thùng phân loại bên trong bị người dân lấy đi chỉ còn mỗi cái khung. Người dân vẫn vứt rác lung tung dưới đó khiến chúng tôi quét dọn rất khổ sở”.

Người dân vứt rác vào “cái khung” của thùng rác công nghệ gây khó khăn cho người dọn rác.

Dự án “phủ xanh” đô thị với 1 triệu cây trồng mới

Năm 2016, nhằm thực hiện chiến dịch phủ xanh đô thị, Hà Nội thực hiện Dự án trồng hơn 1 triệu cây xanh trên dải phân cách các tuyến đường. Đến cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành đúng chỉ tiêu ban đầu.

Sau 5 năm trồng mới, mục tiêu của Thành phố đề ra đã cơ bản hoàn thành. Những hàng cây đem đến những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị, đặc biệt góp phần cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, dự án này vẫn còn “kẽ hở” chưa được giải quyết kịp thời. Đầu tiên phải kể đến số lượng cây khô héo ở dọc tuyến phố Trần Duy Hưng, đoạn từ Yên Lãng xuống Hoàng Cầu, còn cây ở đường Nguyễn Chí Thanh hiện đã không tồn tại.

Khi được hỏi về quá trình chăm sóc cây xanh ở các tuyến đường, bà Phạm Thị Thủy (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) chia sẻ rằng: “Tôi thấy cây ở đây khô héo một phần vì không được chăm sóc. Giữa mùa hè nóng thế này nhưng phải lâu lắm tôi mới nhìn thấy lực lượng chăm sóc tưới cây”.

Không thể phủ nhận sau 5 năm, số lượng cây xanh đã một phần làm điều hòa môi trường không khí ở Thủ đô, tuy nhiên nếu không có biện pháp chăm sóc, bảo vệ hợp lí thì cây sẽ không thể phát triển một cách tươi tốt.

Đặc biệt, trong mùa hè thường xuyên xảy bão lụt, hiện trạng cây gãy đổ không còn xa lạ với người dân. Điều này gây nguy hiểm cho tính mạng người đi đường mà không ai có thể lường trước được.

Phân loại rác thải nguồn – Dở dang trong tiến trình thực hiện

Tính đến nay, Hà Nội đã nhiều lần thực hiện và đề xuất các dự án liên quan đến phân loại rác thải. Tuy nhiên, những dự án này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và lặng lẽ chìm dần.

Điều này phải kể đến dự án 3R-HN đã đạt được những kết quả tích cực trong giai đoạn 2006-2010. Sau đó năm 2020, Hà Nội tiếp tục có dự án “Dự án phân loại rác từ nguồn” được công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) triển khai. Tiếp theo là các app công nghệ về thu gom, phân loại rác xuất hiện khá nhiều như Ralava, mGreen,…

Điểm chung của những dự án đều nhằm mục đích xử lý triệt để rác thải một cách khoa học. Tuy nhiên, đặc điểm chung là chúng đều “chết” trong một thời gian ngắn hoặc là có tồn tại nhưng không được hưởng ứng.

Theo cổng thông tin điện tử quận Đống Đa có đưa tin vào 5/9/2020 về việc “hàng trăm” người dân hưởng ứng chương trình phân loại rác để đổi quà tặng do Urenco tổ chức. Chương trình dự kiến sẽ được duy trì và phát triển vào thứ bảy hằng tuần tại số 59 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa.

Điểm thu gom rác tại cổng trụ sở Quận ủy- HĐND- UBND quận Đống Đa - số 59 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử quận Đống Đa).

Được biết, chương trình này còn được tổ chức đồng thời ở quận Hoàn Kiến, một số phường tại quận Ba Đình. Nhưng đến nay, người dân quanh khu vực phân loại rác vẫn không hề hay biết chương trình này có tồn tại. Đặc biệt, khi được hỏi về chương trình, họ tỏ ra ngơ ngác, lạ lẫm về cái tên này.

Bà Trần Hoàng Anh- người bán hàng lâu năm cạnh HĐND-UBND quận Đống Đa chia sẻ: “Tôi bán hàng ở đây cũng được 6 năm rồi nhưng không biết đến cái chương trình phân loại rác thải đó. Nếu nó còn tồn tại và phát triển thì bản thân tôi phải nhìn thấy chứ!”

Khi được hỏi về việc người dân phân loại rác thải, Cô Hoàng Mai (nhân viên dọn vệ sinh- Hoàng Cầu, Đống Đa): “Người dân vẫn vứt chung các loại rác thải vào với nhau, chúng tôi là người phải phân loại hợp lý”.

Người dân khu vực UBND quận Đống Đa vẫn vứt chung rác với nhau, không hề có sự phân loại.

Các app phân loại rác còn một bất cập xảy ra là thời gian chờ đợi và số lượng rác cần thu gom. Bạn Nguyễn Thanh Huyền (quận Ba Đình) có chia sẻ: “Là một người trẻ, mình rất quan tâm đến các app mới như Ralava, mGreen. Tuy nhiên, thời gian họ đến thu gom khá lâu, mình thì khá bận không thể chờ được nên đành tự đi vứt cho tiện.”

Dự án cải tạo nước sông Tô Lịch

Nhiều năm qua, Hà Nội đã nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau để làm sạch nước sông Tô Lịch như: dùng chế phẩm Redoxy3C của Đức để làm sạch nước, đề xuất thu gom nước thải sinh hoạt xử lý tại nguồn, ý tưởng lấy nước từ sông Hồng, Hồ Tây tạo dòng chảy để rửa trôi và làm sạch sông Tô Lịch,…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã đề xuất các phương án làm sạch như dùng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, cải tạo thành giao thông thủy kết hợp du lịch,… nhưng vẫn không được như kỳ vọng.

Theo ghi nhận, hiện nay, nước sông Tô Lịch bốc mùi hôi, thối. Đặc biệt vào những trưa nắng gay gắt thì mùi của sông càng trở nên nồng nặc hơn gây ảnh hưởng tới người dân. Điều này khiến người dân sinh sống ở hai bên bờ sông cùng với người đi đường cảm thấy rất khó chịu.

Ông Nguyễn Hữu Hà ( Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nước sông Tô Lịch ô nhiễm rất nặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là mấy ngày trời nắng nóng làm cho mùi hôi bốc lên. Chúng tôi đeo khẩu trang nhưng vẫn ngửi nặng mùi.”

Đặc biệt, ở khu chợ Ngã Tư Sở hàng ngày đã xả rất nhiều rác thải và nước bẩn ra lòng sông. Những người bán hàng quanh khu vực đó cũng thẳng tay vứt rác xuống khiến khu vực chợ Ngã tư sở là nơi bốc mùi trầm trọng nhất. Điều này đã làm ảnh hưởng cực lớn đến đời sống của nhân dân, môi trường ô nhiễm, tạo tiền đề xấu cho mĩ quan đô thị.

Hồng Phương - Đặng Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-con-nhieu-bat-cap-trong-cac-du-an-vi-moi-truong-post144950.html