Hà Nội: Công khai các đơn vị nợ thuê nhà chuyên dùng khoảng 1.200 tỷ đồng
Đề cập đến số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng khoảng 1.200 tỷ đồng chưa thu hồi được, đại biểu đề nghị Sở Tài chính Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu tiếp tục chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý của Thành phố. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn bất cập, lãng phí, cần phải chấn chỉnh, khắc phục, tránh thất thoát ngân sách.
Đáng chú ý, một số ý kiến đại biểu cho rằng, số tiền nợ 1.200 tỷ đồng tiền thuê nhà chuyên dùng kéo dài nhiều năm, nhưng không rõ trách nhiệm, không rõ lộ trình giải pháp.
Quang cảnh phiên chất vấn.
Số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng khoảng 1.200 tỷ đồng
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khi trả lời đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân) cho biết, hiện công ty đang quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng.
Tính đến hết năm 2018, hoạt động thuê nhà tại Hà Nội xuất hiện một số vướng mắc, trong đó phải kể đến vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công, chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà tiêu dùng còn lại.
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý, nguyên nhân chủ yếu là qua sử dụng nhiều thời kỳ đã bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích… Đáng chú ý, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính, Sở báo cáo UBND thành phố để làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu.
Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề về thu nợ. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ, Sở Tài chính đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phân loại và thu nợ. Thời gian tới, Sở sẽ cùng công ty phân loại sơ bộ, đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương, Sở sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi; đối với tổ chức, cá nhân, sẽ phân loại, có biện pháp tuyên truyền, vận động. Việc này sẽ được tập trung làm rõ trong quý III-2022 để sớm có kế hoạch thu hồi; trường hợp cần thiết sẽ đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Đối với 300 quỹ nhà chuyên dùng chưa có phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, chủ quản lý quỹ nhà có trách nhiệm kê khai. Với nội dung này, Sở đã tổng hợp và đề xuất Bộ Tài chính để sắp xếp phương án xử lý và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện.
Giám đốc Sở Tài Chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu rõ: Vẫn còn 800 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng từ lâu chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Vậy từ lúc hết hợp đồng đến nay, việc xác định thu tiền những trường hợp này thế nào? Đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm rõ biện pháp xử lý trong thời gian tới. Đại biểu Cường cho rằng, Thành phố cần đánh giá rà soát lại hoạt động của công ty để đảm bảo hiệu quả quản lý, khai thác quỹ nhà, tài sản nhà nước hiệu quả, chặt chẽ?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Thanh Xuân) đề nghị UBND thành phố xem xét lại công tác tổ chức, mô hình hoạt động của công ty quản lý nhà của thành phố, có đủ năng lực khai thác khối tài sản công rất lớn hay không?
Trong khi đó, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, nội dung trả lời chất vấn chưa thỏa đáng, chưa chỉ rõ trách nhiệm. “Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm, nhưng phần trả lời của hai lãnh đạo đại diện cho hai cơ quan quản lý nhà nước không rõ trách nhiệm, lộ trình và giải pháp xử lý ”, đại biểu Vũ Ngọc Anh nói.
Công khai đơn vị nợ tiền thuê nhà chuyên dùng
Trả lời đại biểu về đòi nợ tiền thuê nhà, đất, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đây là một vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Đối với các trường hợp nợ, Sở Tài chính sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ, nếu đơn vị nợ không có khả năng chi trả, sẽ áp dụng các quy định để xử lý. Thành phố sẽ đăng công khai những đơn vị nợ tiền thuê nhà chuyên dùng trên các phương tiện truyền thông Hà Nội để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được.
Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết. năm 2019, có 801 điểm có hợp đồng và thực hiện quản lý thu tiền thuê theo đúng quy định; có 468 điểm vi phạm. Đến nay, số các công trình có vi phạm còn 357 điểm; số các địa điểm được thu tiền là 376 điểm; tức là số công trình đã được đưa vào quản lý đã nhiều hơn. Đây là tác dụng của Thành phố thực hiện thanh kiểm tra và xử lý vi phạm ở Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Để triển khai khắc phục những tồn tại hạn chế ở 357 điểm này, Sở xây dựng kế hoạch để khắc phục hạn chế.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong
Để giải quyết triệt để, theo ông Phong, phải rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà đối với 801 địa điểm này để lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp. Đồng thời, xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của công ty, từ đó phải xác định lại mô hình của công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý… Bên cạnh đó, phải thực hiện rà soát có lộ trình và xây dựng cơ sở dữ liệu. Đối với 357 trường hợp vi phạm có nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận huyện để xử lý đúng theo quy định.
Tiếp thu các vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trải qua 2 thời kỳ chính sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; mức độ bao phủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công rộng khắp, có nhiều nội dung vướng mắc trong khi triển khai. Ngoài luật, Chính phủ cũng ban hành các nghị định, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị; phân công, phân nhiệm từng đơn vị…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu, thời gian tới, UBND thành phố sẽ có giải pháp để xử lý. UBND thành phố cũng sẽ giao cho các đơn vị xây dựng, thành lập ban chỉ đạo chung của thành phố để xử lý các nội dung tồn tại, vướng mắc.
Mời độc giả xem thêm video Hà Nội mưa lớn và ngập úng diện rộng: