Hà Nội: Công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm tăng khá

Trong 6 tháng đầu năm 2024, một số ngành công nghiệp chủ lực của Hà Nội tăng trưởng khá, trong đó sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,6%…

Chiều 26/6, UBND TP. Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã thông tin một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 47.973 tỷ đồng, đạt 34,0% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán, tăng 43,6%.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội báo cáo tại hội nghị.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội báo cáo tại hội nghị.

Ông Lê Trung Hiếu cho biết, GRDP duy trì tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ. “6 tháng đầu năm 2024, GRDP Hà Nội ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%)”, ông Hiếu nói.

Về xuất nhập khẩu, ông Lê Trung Hiếu cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.891 triệu USD, tăng 11,0% (cùng kỳ giảm 2,7%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,1%.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19.668 triệu USD, tăng 14,9% (cùng kỳ giảm 16,3%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,32% (cùng kỳ tăng 1,22%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công nghiệp, theo ông Lê Trung Hiếu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,0% (cùng kỳ tăng 3,7%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tương ứng tăng 4,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,7%; khai khoáng giảm 3,6%.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Vẫn theo ông Lê Trung Hiếu, một số ngành công nghiệp chủ lực tăng khá. "Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8%; Sản xuất sản phẩm thuốc tăng 5,7%; Sản xuất trang phục tăng 9%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,6%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9%…”, báo cáo cho biết.

Tại hội nghị, ông Lê Trung Hiếu cũng thông tin về thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, lũy kế 06 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.

“Thành phố đang chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn”, ông Lê Trung Hiếu thông tin.

Ông Lê Trung Hiếu cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố có 15.502 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 149.188 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp, giảm 3% về vốn đăng ký); 2.097 doanh nghiệp giải thể (tăng 14%); 16.967 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 26%); 2.646 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 18,6%).

Có 6.012 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 17%). Lũy kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 391.880 doanh nghiệp. Vốn đầu tư phát triển xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 8,5%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.322 nghìn tỷ đồng, giảm 0,26%; tổng dư nợ đạt 3.832 nghìn tỷ đồng, tăng 5,95%.

Báo cáo tại hội nghị cũng thông tin về các lĩnh vực văn hóa, xã hội; công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng, đô thị; quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Trong 6 tháng cuối năm, ông Lê Trung Hiếu dự báo, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn. Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh”, ông Lê Trung Hiếu thay mặt UBND TP. Hà Nội nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển KTXH: Triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; Kế hoạch thực hiện 02 quy hoạch sau khi được phê duyệt; Hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường....

Phong Vân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-cong-nghiep-chu-luc-6-thang-dau-nam-tang-kha-328347.html