Hà Nội: Công trình vi phạm 'xếp hàng' chờ hợp thức hóa
Hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức ngang nhiên tồn tại và phát sinh trong nhiều năm bởi những lý do đến từ tương lai.
Công lý & Xã hội nhận được thông tin phản ánh về một số vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng (TTXD) và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức gây bức xúc trong nhân dân.
Theo phản ánh, nhiều kho, nhà xưởng đã được xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Đại Tự, xã Kim Chung và ngang nhiên hoạt động từ nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ nhưng không được ngăn chặn xử lý kịp thời.
Ngoài “cụm công nghiệp” tự phát Đại Tự, các thôn khác của xã Kim Chung cũng có nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp được chính quyền “làm ngơ”. Ngay tại cổng khu đô thị (KĐT) Kim Chung - Di Trạch có khoảng hơn chục công trình xây dựng từ 03 đến 04 tầng trên đất nông nghiệp đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận thực tế phóng viên, tại các địa điểm được phản ánh, hàng loạt kho, nhà xưởng được xây dựng kiên cố nằm san sát nhau tạo thành một “cụm công nghiệp” nằm giữa cánh đồng rộng lớn. Ngay mặt đường có hàng loạt công trình lớn nhỏ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra nhộn nhịp, xe tải ra vào liên tục, bụi bay mù mịt, mùi sơn nồng nặc khó chịu.
Khu vực thôn Đại Tự có gần trăm nhà xưởng phủ lớp bụi dày đặc miệt mài sản xuất, nhả khói, nước thải ra môi trường sống chưa qua xử lý gây cảm giác khó ngửi cho người xung quanh.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn, ông Đinh Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho hay, tình trạng xây dựng tại thôn Đại Tự đã diễn ra từ lâu và chủ yếu là tồn tại. Họ chỉ sửa chữa, thay mái chứ không có phát sinh mới. Hiện nay, UBND huyện Hoài Đức đã trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Đại Tự.
Đối với trường hợp nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị cháy hồi tháng 3/2020 tại thôn Đại Tự, ông Thi khẳng định UBND huyện Hoài Đức có văn bản hướng dẫn cho phép họ xây dựng lại mới theo hướng hiện đại phù hợp với quy hoạch cụm công nghiệp.
Được biết, Kết luận số 06-KL/UBKT của UBKT Huyện ủy Hoài Đức, ngày 10/8/2017, kết luận Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Hữu Cường – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã; ông Nguyễn Hữu Cương – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã… đã nêu rõ khuyết điểm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Chung dẫn tới những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại xã Kim Chung năm 2016.
Đối với ông Nguyễn Hữu Cường – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Kim Chung, kết luận nêu rõ: “Chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy dẫn đến trong số 18 nhà vi phạm ở cổng KĐT Kim Chung – Di Trạch, trong đó, một gia đình đảng viên xây 02 căn nhà 03 tầng là ông Nguyễn Quyết Chiến và con gái là Nguyễn Thị Thu Trang, gia đình đảng viên Lương Công Đoàn, ông Đoàn chia cho con trai là Lương Hoàng Hải xây 02 căn nhà 04 tầng, con gái là Lương Thị Hạnh cũng xây 02 căn nhà 04 tầng nhưng không chỉ đạo kiểm điểm và xử lý”.
Đối với ông Nguyễn Hữu Cương – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Chung, kết luận khẳng định: “Là Chủ tịch UBND xã, song việc chỉ đạo và thực hiện xử lý vi phạm của chính quyền chưa kiên quyết, chưa triệt để do vậy không hạn chế được phát sinh vi phạm, dẫn đến năm 2016 đã xẩy ra 23 trường hợp vi phạm với diện tích 5.604,48m2…, 13 hộ vi phạm xây dựng nhà ở ven cổng KĐT Kim Chung – Di Trạch với 18 căn nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích 1.108,2m2”
Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cũng khẳng định một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ven cổng KĐT Kim Chung – Di Trạch là của bố đẻ và anh em trong gia đình ông Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung.
Theo ông Thi, gần 20 căn nhà 3 - 4 tầng này đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở chứ không cưỡng chế phá dỡ vì phù hợp với quy hoạch và cưỡng chế sẽ ảnh hưởng tới tình hình chính trị địa phương.
Được biết, các vị lãnh đạo để xẩy ra tình trạng vi phạm nghiêm trong năm 2016 trên đã được yêu cầu “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” và hiện vẫn giữ chức vụ lãnh đạo Đảng ủy xã Kim Chung.
Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại về thông tin phản ánh khu đất dịch vụ do UBND xã Kim Chung là chủ đầu tư thanh toán “khống” khối lượng công việc cho đơn vị thi công, không còn trên hiện trường, cao độ thi công lớp thảm thuộc gói thầu số 01thi công sai thiết kế được phê duyệt, thấp hơn tới 50 – 60 cm nhưng vẫn được chủ đầu tư thanh toán gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước, ông Phạm Ngọc Lê – Chủ tịch UBND xã Kim Chung khẳng định ông mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã và chưa ký bất kỳ thanh toán nào cho đơn vị thi công nên việc thanh toán không liên quan tới ông.
Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ thanh toán khối lượng công việc từng hạng mục, từng giai đoạn của gói thầu số 1 khu đất dịch vụ do UBND xã Kim Chung là chủ đầu tư thì ông từ chối với lý do “đó là hồ sơ mật không cung cấp được”.
Dư luận không khỏi thắc mắc vì sao cụm công nghiệp chưa có quyết định thành lập, kho, nhà xưởng cháy lại được xây dựng quy mô hơn trên đất nông nghiệp? Vì sao hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ngay cổng KĐT Kim Chung – Di Trạch không bị xử lý theo quy định? Phải chăng phía sau hàng loạt vi phạm nghiêm trọng này là một nhóm lợi ích quyền lực hay tại xã Kim Chung đang tồn tại một thứ “luật riêng”?