Hà Nội: Đã đến lúc 'mạnh tay' với các dự án bỏ hoang
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 324 dự án được giao đất song chậm triển khai, điều này đã và đang vi phạm Luật Đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đô thị hóa của thành phố. Để chấm dứt thực trạng này, tới đây thành phố sẽ giao đoàn liên ngành tổng kiểm tra rà soát, lập hồ sơ kiên quyết xử lý các dự án 'treo' này.
Bài toán nan giải lâu năm
Đã từ lâu, việc xử lý những tồn tại trong việc các dự án “bỏ hoang” vẫn là bài toán nan giải của chính quyền. Các dự án này vẫn tồn tại nhan nhản rải khắp các huyện ngoại thành Hà Nội, cho đến các khu vực quận nội đô. Hệ lụy kéo theo sự nhếch nhác, lộn xộn, thiệt thòi hơn cả là người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án.
Dẫn chứng từ Luật Đất đai 1993, 2003, 2013 đã quy định rõ, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, thực tế thì số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi. Theo báo cáo của UBND TP, ở thời điểm tháng 3/2021, trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố mới chỉ có 30 dự án đã chấm dứt hoạt động, 5 dự án đang được triển khai.
Điều này cũng được các chuyên gia nhìn nhận là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của thành phố Hà Nội, hàng triệu mét vuông đất đang bị lãng phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Bởi vậy để xử lý và hạn chế các dự án “treo”, các chuyên gia cho rằng, cần phải rà soát một cách tổng thể và dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở, ban, ngành cần đưa ra một bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án nào sẽ thu hồi 100%, dự án nào thu hồi theo từng phần.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự án nhiều năm không triển khai có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo ông, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố "lách" vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại. "Căn bệnh thân hữu cũng là nguyên nhân gây ra việc giao đất cho chủ đầu tư không đủ năng lực", GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Nếu lỗi thuộc về khâu thủ tục, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu các quy trình phê duyệt sao cho nhanh chóng nhưng vẫn phải chặt chẽ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai kịp tiến độ.
Làm sạch bộ mặt Thủ đô
Kể từ tháng 7/2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành TP và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp Luật Đất đai đối với 379 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Kết quả cho thấy, 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha) được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.
Đơn cử như dự án tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng số 162 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên); Dự án Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên xã Cẩm Lĩnh, Tản Lĩnh, Thụy An (Ba Vì); Dự án cải tạo xây dựng tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du (Hai Bà Trưng); Dự án Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hòa và văn phòng làm việc tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm); Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm).
Dự án Khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc tại Kim Chung (Hoài Đức); Dự án Xây dựng khu đô thị Tiến Xuân xã Tiến Xuân và Đông Xuân (Thạch Thất, Quốc Oai); Dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân (Thạch Thất); Dự án Khu đô thị mới Vinalines, xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt (Mê Linh); Dự án Khu đô thị Việt Á, xã Thanh Lâm (Mê Linh).
Dự án Khu đô thị mới BMC, xã Đại Thịnh (Mê Linh); Dự án Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh) xã Đại Thịnh, Tráng Việt (Mê Linh); Dự án biệt thự nhà vườn tại Yên Bình (Thạch Thất); Dự án văn phòng làm việc, trung tâm thương mại kết hợp nhà ở để bán đường Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, Thanh Xuân của Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật VACVINA; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny Light, xã Yên Bình (Thạch Thất); Dự án xây dựng nhà vườn, xã Yên Bình và Tiến Xuân (Thạch Thất)…
Dự án Khu đô thị mới BMC, xã Đại Thịnh (Mê Linh); Dự án Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh) xã Đại Thịnh, Tráng Việt (Mê Linh); Dự án biệt thự nhà vườn tại Yên Bình (Thạch Thất)…
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Tư pháp, Cục Thuế Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội và UBND quận, huyện liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra liên ngành do UBND TP Hà Nội thành lập sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Đoàn kiểm tra sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất của đơn vị, tổ chức chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Căn cứ vào quy định Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn thi hành để lập hồ sơ thu hồi đất đã giao, cho thuê, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định (trừ trường hợp do bất khả kháng theo quy định).
Những trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng Đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chỉ đạo. Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng của chính quyền Hà Nội trong việc xử lý mạnh tay xử lý các dự án "rùa bò", tồn tại đã nhiều năm nay.