Hà Nội: đại biểu đề nghị quyết chống bệnh 'cào bằng' trong thi đua khen thưởng
'Các phong trào thi đua có nội dung càng thiết thực cụ thể, hiệu quả đạt được càng cao; cần kiên quyết chống bệnh hình thức, cào bằng và động viên tinh thần kết hợp khen thưởng vật chất xứng đáng...'- đó là ý kiến đáng chú ý tại Hội nghị do TP Hà Nội tổ chức sáng nay.
Sáng nay, 11/6, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (ĐHTT, NTVT) do TP Hà Nội tổ chức, đại diện một số cơ quan, đơn vị đã tham luận, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo và đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị.
Nội dung thi đua càng thiết thực, hiệu quả càng cao
Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Phạm Thị Ngọc cho biết, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những năm qua, cơ quan Ban Tổ chức Thành ủy luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Hàng năm, cơ quan phát động các phong trào thi đua trong toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng TP, đề ra những mục tiêu, tiêu chí cụ thể để mỗi cán bộ, công chức có động lực phấn đấu, phát huy năng lực sở trường, tạo hăng say trong học tập và công tác. Qua đó, phát hiện những tập thể, cá nhân ĐHTT xuất sắc; những nội dung nhiệm vụ có tính mới, sáng tạo của từng tập thể, cá nhân của ngành.
Với vai trò cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua Đảng bộ TP, lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, để tiếp tục phát huy vai trò, khai thác hiệu quả và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP; thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác này bằng những giải pháp cụ thể. Từ đó, đưa các phong trào thi đua trở thành động lực phát triển các mục tiêu về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh…
"Các cơ quan đơn vị nên chủ động phát động các phong trào thi đua theo chủ đề từng năm, với nội dung phát động phù hợp, hiệu quả, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nguồn lực, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Các phong trào thi đua có nội dung càng thiết thực cụ thể, hiệu quả đạt được càng cao; đồng thời kiên quyết chống bệnh hình thức, cào bằng; động viên tinh thần kết hợp khen thưởng vật chất xứng đáng; đưa công tác thi đua khen thưởng trở thành động lực thúc đẩy các mặt công tác khác"- bà Phạm Thị Ngọc đề xuất.
Cũng với quan điểm "thi đua là động lực thúc đẩy phong trào hành động cách mạng", Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thời gian qua luôn chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát động, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng ĐHTT. Đặc biệt, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, như: “Đoàn kết sáng tạo”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho biết, với quyết tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, từ năm 2020, Mặt trận các cấp TP đã kiện toàn Hội đồng thẩm định xét và đề nghị công nhận sáng kiến, ý tưởng mới; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận trên 500 hồ sơ, tổ chức xét chọn, biểu dương, in ấn phẩm tuyên truyền 119 sáng kiến, ý tưởng mới. Từ tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về những mô hình tiêu biểu, gương ĐHTT, NTVT trong cộng đồng dân cư, đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay; xuất hiện nhiều cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại gian khổ, thường xuyên giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác khen thưởng thường xuyên, chuyên đề, đột xuất, động viên những tập thể, cá nhân ĐHTT; quan tâm đối tượng lao động trực tiếp.
Để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cho biết, việc xây dựng ĐHTT trong MTTQ các cấp TP đã và sẽ tiếp tục được thực hiện từ cơ sở, đồng bộ tốt cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân ĐHTT.
"MTTQ sẽ tích cực duy trì các chuyên trang, chuyên mục trên Website, Bản tin "Dân chủ và Đoàn kết" của Mặt trận TP để tuyên truyền về các phong trào thi đua, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, ĐHTT, gương NTVT, tạo lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân"- ông Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ.
Tập thể, cá nhân được khen cảm thấy xứng đáng
Ở cấp cơ sở, là một địa bàn quận "lõi" của Thủ đô với mật độ dân cư cao nhất TP, trong 10 năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp quận Đống Đa đã ban hành hàng trăm lượt văn bản chỉ đạo và phát động các phong trào thi đua yêu nước, đợt thi đua cao điểm và biểu dương, khen thưởng gương NTVT; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác thi đua khen thưởng ở cơ sở.
Quận cũng đã nhiều năm liền phát động Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT, được các cấp cơ sở hưởng ứng đầy trách nhiệm và nhiệt tình. Giai đoạn 2015-2024, Ban Tổ chức Cuộc thi quận nhận được trên 2.000 bài dự thi của các cá nhân đang học tập, sinh sống, làm việc trên địa bàn quận. Từ đó, UBND quận đã khen thưởng 1.530 gương ĐHTT, NTVT; đã đề xuất được TP khen thưởng 2 cá nhân đạt danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, 280 gương ĐHTT, NTVT.
Theo lãnh đạo quận, thông qua việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua thời gian qua, quận đã rút ra một bài học kinh nghiệm quan trọng. Trong đó, tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT, gương NTVT bằng các hình thức như: Cổng thông tin điện tử của quận và trang thông tin điện tử của các đơn vị, trang facebook của quận, qua các hội nghị giao ban, sinh hoạt Đảng tại các chi bộ, trên phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, họp tổ dân phố…
"Để công tác thi đua khen thưởng bắt nhịp được với thực tiễn, phát huy vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân, đòi hỏi mỗi cấp, ngành, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng phải bám sát phong trào và cơ sở để phát hiện, nuôi dưỡng những việc làm tốt, cách làm hay. Từ đó, sẽ động viên hướng dẫn phong trào phát triển, nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế"- Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Đối với một địa bàn nông thôn đang đô thị hóa mạnh như huyện Mê Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn cho hay, ngay sau khi TP ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị với phương châm “Cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”.
Đặc biệt, chủ đề, mục tiêu, nội dung, đối tượng và tiêu chí thi đua luôn được xác định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động lớn của T.Ư, TP, đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua trong thực hiện các khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị thuộc huyện, như: giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…. Cùng với đó, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác khen thưởng, huyện Mê Linh là đơn vị đầu tiên toàn TP triển khai phần mềm "Quản lý công tác thi đua, khen thưởng" tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
"Với các giải pháp đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng, phong trào thi đua của huyện đã phát triển mạnh cả về chất và lượng; xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân chiến sỹ thi đua các cấp, tấm gương ĐHTT đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, đã khích lệ tinh thần hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH trên địa bàn"- ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Còn với một bàn cấp xã như Cổ Loa (huyện Đông Anh), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Thị Lương cho hay, hằng năm, lãnh đạo xã phát động phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu năm để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển; đồng thời xây dựng kế hoạch, triển khai viết bài về gương ĐHTT, NTVT tới mọi ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, người lao động và cả lãnh đạo thôn, xóm.
Từ những đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng đã kịp thời động viên, tạo động lực cho cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân xã quyết tâm thi đua, sáng tạo trong lao động sản xuất và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng bộ và Nhân dân xã đã vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 11 năm liên tục được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng và Cuộc thi viết, lãnh đạo xã Cổ Loa đề xuất, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua; tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thi đua khen thưởng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, bảo đảm khen chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch và thực chất; làm cho tập thể, cá nhân được khen cảm thấy vinh dự, xứng đáng và tạo động lực cho các cá nhân, tập thể khác phấn đấu làm theo.