Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho 3 Phân Vùng
Tối 3/9, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong đợt giãn cách xã hội từ ngày 6/9-21/9, Sở đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 Phân Vùng 'đỏ- cam- xanh' phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới. Cơ quan này khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân các vùng giãn cách.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, qua 40 ngày giãn cách xã hội, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Thành phố, Bộ Công Thương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp nên Thành phố Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân các vùng giãn cách.
Trong đợt giãn cách xã hội tiếp theo từ ngày 6/9 đến 21/9, theo Sở Công Thương Hà Nội, phương án cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân Hà Nội theo 3 Vùng giãn cách được thực hiện như sau:
Đối với Phân Vùng 1, Sở Công Thương dự kiến sẽ có khoảng 3,78 triệu người trong phân vùng này và cần đảm bảo 10 mặt hàng, gồm: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ).
Người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán
Trong Phân Vùng 1 hiện có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.
Theo đó, các doanh nghiệp trong phân vùng này đã chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân tại kho hàng và tại địa điểm bán trên địa bàn trong Phân Vùng 1; Đồng thời sẽ chủ động, linh hoạt điều tiết hàng hóa từ các kho hàng, nhằm đảo bảm nhu cầu mua sắm của người dân.
Đối với các chợ trên địa bàn, Sở Công Thương cho biết, trong trường hợp nguồn cung chưa đủ cho các tiểu thương trong chợ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ; Tổ chức bán hàng lưu động…
Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shiper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).
Về điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa: Để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi CATP cấp mã nhân diện (đối với xe ô tô) và cấp Giấy phép đi đường cho các xe máy;
Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào Phân Vùng 1; Các shiper chỉ hoạt động trong Phân Vùng 1.
Tại các phân vùng này, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán; Mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện; Mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn: UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm
Đối với Phân Vùng 2 và Phân Vùng 3, với tổng số dân là hơn 4,3 triệu người, sẽ có 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 5 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ được đảm bảo.
Trong lần giãn cách này, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán; Mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện; Mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn: UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm
Với những phương án cụ thể này, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn Thành phố, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.
Tính đến ngày 31/8 có: Xe ô tô được cấp luồng xanh quốc gia: 51.111 xe; Xe máy được cấp mã QR của Sở GTVT: 26.133 xe. Xe của các quận, huyện, thị xã đã huy động tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa (bình quân 5xe/quận, huyện). Dự kiến 528 xe tải do Sở Giao thông vận tải huy động của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Thành phố (450 xe vận chuyển trong thành phố, 78 xe vận chuyển ngoài thành phố). Về nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn, nguồn sản xuất trên địa bàn Thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện, có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.