Hà Nội: Đan Phượng tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều ngày 20/9, Hội Liên hiệp phụ nữ - Đoàn Thanh niên huyện Đan Phượng (Hà Nội) phối hợp với Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Những nội dung cơ bản của Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Tên gọi của luật: Luật thực hiện dân chủ cơ sở, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023. Thời điểm thông qua: Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, tỷ lệ tán thành 443 đại biểu, chiếm 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Nội vụ; Cơ quan chủ trì thẩm tra: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Những điểm mới cơ bản của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Cơ cấu của luật: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, bao gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Điểm mới: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thục hiện dân chủ ở cơ sở, quyền kiểm tra, giám sát kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; Bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quyết định lựa chọn hình thức công khai thông tin; Trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân và ủy ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin; Bổ sung quy định về thời gian công khai; Quy định về trách nhiệm của người đại dienj có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin...
Ở cộngđồng dân cư: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại điều 15 của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức sau: Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình. Trường hợp pháp luật có quy định khác về về việc tổ chức toàn thể cử tri trên đại bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó. Luật thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp..) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế...
Cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội “làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở nông thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt.
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong Luật, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm khắc phục hạn chế của các ban này trước đây và phát huy tốt vị trí vai trò của các Ban này trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự báo tác động chính sách của luật và những vấn đề cần lưu ý
Tác động chính sách của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến người dân và xã hội: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thực hiện đồng bộ, thống nhất 03 loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc đã khắc phục căn bản những bất cập trước đây mỗi loại hình thực hiện theo một văn bản khác nhau dẫn đến tình trạng không đồng bộ, thống nhất. Đồng thời Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định cụ thể và đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để mọi người dân phát huy quyền làm chủ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quá trình triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hệ thống chính trị; Thứ hai, phát huy vai trò cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, chú trọng dân chủ ở cơ sở; Thứ ba, phát huy dân chủ gắn với nâng cao dân trí; Thứ tư, dân chủ đi đôi với kỷ cương trật tự, kỷ luật chống vi phạm pháp luật; Thứ năm, cần gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính.
Triển khai hoạt động thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/04/2023 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó xác định rõ nội dung, mục đích, yêu cầu, văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật;
Xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quyết định đã giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cở sở và dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.