Hà Nội: Dân Thụy Khuê 'khốn khổ' sống cùng 'bể phốt lộ thiên' dài 3km xây gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện
Đã hàng chục năm qua, người dân Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã quen sống trong cảnh cửa đóng, then cài để giảm bớt phần nào mùi hôi thối bốc lên từ tuyến mương đi dọc con phố Thụy Khuê. Không chỉ sống chung với mùi hôi thối mà chuột bọ, ruồi nhặng cũng là nỗi khổ chung của những người dân sống trong khu vực này.
"Ba đời ngửi mùi cống thối !"
Cụ thể, tuyến mương đi dọc Thụy Khuê đoạn nằm sát cạnh Hồ Tây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuy nhiên, con đường thoát nước này đã bị bủa vây bởi rác thải ùn ứ và ô nhiễm nghiêm trọng hàng chục năm qua. Cuối năm 2012, dự án "Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê" được khởi công với tổng vốn là 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2017. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, 2021, gần 10 năm trôi qua, con mương dài vỏn vẹn 3km vẫn là nỗi "ám ảnh thế hệ" cho hàng nghìn người dân sống xung quanh con mương này.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhiều người dân sống dọc hai con mương đã chán đến chẳng buồn nói. Anh Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1992, cư dân sống tại ngõ 129, Thụy Khuê) cho biết: "Chúng tôi giờ đã quá thất vọng. Nếu nói đúng ra thì ba đời sống với mùi cống thối (mương) này rồi. Từ bố mẹ, tôi và con tôi. Kêu cũng chẳng ai thấu. Chúng tôi thuộc diện bị mất nhà nhưng đồng tình cao vì người dân ở đây đã quá khổ rồi. Ngày lạnh còn đỡ chứ những ngày mưa hoặc mùa hè thì khổ trăm bề từ chuột bọ, ruồi nhặng đến rắn rết, côn trùng chẳng thiếu thứ gì".
Những hộ dân sống tại hai bên mương Thụy Khuê đã hàng trăm lần gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lên nhiều cấp có thẩm quyền. Ông Nguyễn Đức Tư (56 tuổi, sống tại ngõ 129 Thụy Khuê) vừa chỉ vào các đường ống nước thải, vừa bày tỏ sự bức xúc: "Tất cả nước thải sinh hoạt của các hộ dân phía trước đều thải xuống đây thì con mương này không khác gì một bể phốt lộ thiên cả. Nhiều công nhân đến làm điện nước cho gia đình tôi mà phải bọc đến 3,4 lớp khẩu trang cũng không thể chịu đựng được mùi thối bốc lên từ tuyến cống này".
Do dòng chảy hẹp nên những ngày mưa lớn là những ngày kinh hoàng với người dân Thụy Khuê khi nước ngập dâng vào nhà đến hàng chục cm. Ông Ngô Kiêm Bảo (sinh năm 1949, từng là tổ trưởng tổ dân phố, ngõ 119 Thụy Khuê) được người dân coi là người hiểu rõ nhất lịch sử "cống thối" và nỗi khổ trường kỳ của người dân.
Đóng cửa cho đỡ mùi thối, ông tâm sự: "Tôi về đây tính ra đã 60 năm, từ khi nhìn trong nhà ra còn thấy được Hồ Tây thì người dân ở đây phải đến 30 năm sống với mùi hôi thối này rồi. Bình thường thì ngửi nhiều cũng đành quen nhưng mưa lũ lên thì khốn đốn. Tất cả các hộ dân ở đây đều đã phải kê cao nhà đến hàng mét nhưng thi thoảng vẫn bị ngập nặng. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần hứa hẹn nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xử lý nên người dân mới bức xúc như vậy".
Con mương 3 km xây dựng 10 năm vẫn không xong
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, công trường xây dựng của mương Thụy Khuê đã tạm dừng hoạt động. Theo nhiều người dân hoạt động thi công này chỉ mang tính cầm chừng, duy trì.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Tiến Cảnh, Chủ tịch HĐND phường Thụy Khuê cho biết: "Hiện nay, vấn đề thi công mương Thụy Khuê gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, khi dự án có tiền đầu tư từ thành phố thì nhiều người dân không đồng thuận. Đến lúc người dân quay sang đồng tình, ủng hộ thì thành phố lại chưa đủ để đáp ứng nên nó cũng làm ảnh hưởng đến vấn đề chậm tiến độ.
Thứ hai, quỹ nhà tái định cư của thành phố chưa có hoặc có rồi nhưng chưa có đơn giá nên chưa thực hiện được phương án đền bù. Do đó, chúng tôi buộc phải tạm dừng do các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Thứ ba, do nền đất xung quanh mương yếu nên thi công đến đâu cũng cần phải đảm bảo khắc phục ảnh hưởng cho người dân xung quanh đến đó. Ví dụ như nhà dân nào có ý kiến, thì buộc thi công phải tạm dừng để khắc phục cho hộ dân đó đã, nếu không khắc phục điều đó mà thi công tiếp thì sẽ dẫn đến đổ nhà. Vì thế, dự án mất rất nhiều thời gian cho việc này. Khi làm mương thì phải chia đôi nó ra, làm xong phần bên này phải để cho nước nó thoát được rồi mới làm phần bên kia. Có nghĩa là họ không thể ngăn ngay nước nó lại được để làm. Một đoạn người ta phải chia đôi, tóm lại mặt kĩ thuật nó mất rất nhiều thời gian".
Tuy nhiên, trái ngược lại với quan điểm của UBND phường Thụy Khuê, nhiều người dân tại đây cho biết, lý do này là hoàn toàn không có cơ sở trong khi người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương. Đồng thời, vấn đề xử lý địa chất tại mương Thụy Khuê cũng không khác gì những con mương khác.
Thụy Khuê là một quận nằm ở trung tâm của Thủ đô, việc ô nhiễm trầm trọng khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân đảo lộn là vấn đề bức thiết cần phải giải quyết. Thi công 3km mương mà mất hơn 4.000 ngày không thể hoàn thiện thì cần phải làm rõ vấn để trách nhiệm, "điểm nghẽn" trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Thông tin với Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Bá Đông, Phó chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: "Trong năm nay dự án sẽ được hoàn thiện theo thông tin từ BQL Dự án". Tuy nhiên, khi được hỏi mốc thời gian cụ thể thì ông Đông chưa có câu trả lời chính xác.
Tết sắp đến, nhiều bà con Thụy Khuê vẫn đang ngóng từng cm mương Thụy Khuê hoàn thiện. Nhiều người treo biển bán nhà nhưng bán cũng không ai mua. Công trình thì vẫn nằm đó như một nỗi bức xúc, cái gai trong mắt người dân. Cống thối thì ngửi mãi cũng ra bệnh, nhiều người dân Thụy Khuê đang phải đối mặt với nhiều căn bệnh về đường hô hấp đặc biệt là người già và trẻ em trong khi ngày hoàn thiện công trình vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Dự án "Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê" được khởi công năm 2012 với vốn đầu tư 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, năm 2017, toàn bộ dự án sẽ hoàn thiện. Cụ thể, toàn bộ tuyến mương Thụy Khuê sẽ được cống hóa với cống hai làn, vỉa hè và hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng cảnh quan. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ một phần mương Thụy Khuê được cống hóa với tiến độ ì ạch.