Hà Nội đang triển khai 219 dự án nhà ở, khu đô thị
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu mét vuông sàn nhà ở, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700 mét vuông sàn nhà ở, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Hà Nội vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Dự án đầu tư mới được chấp thuận, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao... đã đẩy giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo, giá tăng trên 10%. Bên cạnh đó, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư... khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Nguồn cung bất động sản thông qua các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 có sự sụt giảm rõ rệt: Giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng.
Giao dịch bất động sản trên thị trường bất động sản Hà Nội năm 2022 trầm lắng hơn cuối năm 2021. Lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu tại các dự án nhà ở thuộc các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất. Phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm đa số nhưng giá rất cao. Lượng giao dịch thấp, chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Lượng giao dịch nhà ở thấp tầng cũng rất thấp, thậm chí gần như không có giao dịch do giá bán cao.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 17-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, do một số vướng mắc về pháp lý, đến giờ phút này, khả năng phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư, đặc biệt là mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới. Song đấu giá thì đòi hỏi khoảng thời gian tương đối lớn, còn đấu thầu thì vướng trong thu hồi đất, nhất là các đối tượng chỉ nhận chuyển nhượng nên không thể thu hồi đất được.
Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; có giải pháp hạ lãi suất vay vốn để tạo sự cạnh tranh với các kênh đầu tư khác; sửa đổi các quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể đối với từng phương pháp định giá đất; Sửa đổi, bổ sung Thông tư Liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22-6-2016 tăng thời gian thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể…
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định đối với việc lập quy hoạch các loại hình khu chức năng để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; sửa đổi luật, nghị định về công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch; quy định về điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng đối với nhiệm vụ quy hoạch…
UBND thành phố cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Nhà ở bảo đảm có sự thống nhất về đối tượng, dự án thực hiện, bảo đảm trong quá trình thực hiện không có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng giữa Luật Đất đai với các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Nhà ở. Đồng thời, kiến nghị xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh bất động sản nói chung, dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng đối với toàn bộ quy trình thực hiện dự án...