Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3
Tp.Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 vào năm 2001; đạt mức độ 2 vào năm 2018 và luôn nỗ lực để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập.
Ngày 6/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quyết định về việc công nhận Tp.Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2021.
Trước đó, từ ngày 3 đến 5/10, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra việc thực hiện phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 ở 30 quận, huyện, thị xã thuộc Tp.Hà Nội. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố và trước 2 năm so với toàn quốc.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và các quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập cho trẻ 4 tuổi. 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Có 579/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về xóa mù chữ; 30/30 quận, huyện, thị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tp.Hà Nội luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có việc phổ cập giáo dục, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã đánh giá khách quan kết quả phổ cập giáo dục; đồng thời cũng hướng dẫn, gợi mở các giải pháp cho Hà Nội trong việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những cố gắng và kết quả của thành phố Hà Nội trong việc đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Căn cứ Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và kết quả kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đánh giá, thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
“Việc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 không phải là danh hiệu, mà phải gắn với trách nhiệm, là cơ sở để thành phố Hà Nội tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt hơn trong công tác giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Trúc Chi (theo CAND, Giáo dục Thời Đại)