Hà Nội đạt tổng điểm PAPI cao nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng 2-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.
4/8 chỉ số nội dung suy giảm
Năm 2023, PAPI tiếp tục được thực hiện ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có 19.536 người dân ở 63 tỉnh, thành phố đã tham gia trả lời câu hỏi khảo sát PAPI.
Kết quả Báo cáo PAPI cho thấy, nhìn chung, trong năm 2023, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục có những thăng trầm nhất định ở từng nhóm lĩnh vực.
So với năm 2022, chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “quản trị điện tử” đều cải thiện; hai chỉ số nội dung “cung ứng dịch vụ công” và “quản trị môi trường” hầu như không thay đổi. Tuy nhiên, bốn chỉ số nội dung còn lại, gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “thủ tục hành chính công” đều suy giảm.
Theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023. Một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân.
Điều đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã. Nếu như giai đoạn 2018-2022, khoảng 43%-46% người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.
Phân tích dữ liệu PAPI 2023 cũng cho thấy, đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế là ba vấn đề người dân quan ngại nhất. Trong số 10 vấn đề dẫn đầu tổng hợp từ hơn 40 vấn đề người dân nêu lên, đói nghèo được 22,39% người dân quan tâm; con số tương ứng đối với việc làm là 12,79%; đối với tăng trưởng kinh tế là 9,2%.
Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến với chỉ khoảng 8,3% người được hỏi cho biết đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Một trong những lý do là lo ngại về quyền riêng tư (1/3 người đã dùng nêu lý do này).
Trên bảng tổng hợp kết quả PAPI 2023 của các tỉnh, thành phố, Thừa Thiên - Huế có số điểm cao nhất, đạt 46,0415 điểm; tỉnh Đắk Nông có số điểm thấp nhất, đạt 38,9711 điểm.
PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hay chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) một mặt được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hà Nội đạt 43,9603 điểm, thuộc nhóm cao
Chỉ số tổng hợp PAPI năm 2023 của Hà Nội đạt 43,9603 điểm. Với kết quả này, Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong nhóm “cao”.
Hà Nội có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm cao gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,4275 điểm; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, đạt 5,6707 điểm; “Cung ứng dịch vụ công”, đạt 7,8486 điểm; “Quản trị điện tử”, đạt 3,9728 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “Trung bình cao” là “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,2760 điểm; 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm “Trung bình thấp” là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,7348 điểm; “thủ tục hành chính công cấp tỉnh”, đạt 7,1611 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “Quản trị môi trường cấp tỉnh”, đạt 2,8688 điểm.
Trước đó, Chỉ số PAPI 2022 của Hà Nội có 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “cao” gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,8254 điểm, “công khai trong việc ra quyết định với người dân”, đạt 5,7770 điểm. 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình cao” gồm: “Trách nhiệm giải trình với người dân”, đạt 4,3707 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, đạt 6,8007; “thủ tục hành chính công”, đạt 7,3101 điểm; “quản trị điện tử”, đạt 3,6578 điểm. 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “trung bình thấp” là “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,2294 điểm; 1 chỉ số nội dung nằm trong nhóm “thấp” là “quản trị môi trường”, đạt 2,9338 điểm.
So với năm 2022, Chỉ số PAPI 2023 của Hà Nội tăng 0,0554 điểm (năm 2022 đạt 43,9049 điểm).
Năm 2023 là năm thứ 15 PAPI được tiến hành tại Việt Nam, với mục tiêu góp phần cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, thông qua việc: Tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.