Hà Nội: Đấu giá đất qua một năm nhiều thách thức

Chưa bao giờ công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội lại gặp nhiều bất ổn như năm 2024; tình trạng trả giá cao, tạo sốt ảo rồi bỏ cọc xảy ra tại nhiều phiên đấu giá làm ảnh hưởng lớn tới việc thu ngân sách từ đấu giá đất của nhiều địa phương.

Ngày 10/8/2024, cuộc đấu giá 68 thửa đất ở tại thôn Thanh Thần (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) có giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m² đến 12,5 triệu đồng/m². Giá trúng cao nhất được trả lên đến trên 100 triệu đồng/m².

Ngày 19/8/2024, cuộc đấu giá 13 thửa đất tại thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) có giá khởi điểm các lô từ 7,3 triệu đồng/m², mức trúng cao nhất bị đẩy lên tới hơn 130 triệu đồng/m², gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Ngày 16/9/2024, cuộc đấu giá đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) có giá trúng cao nhất lên tới 75 triệu đồng/m².

Điểm chung của các cuộc đấu đất trên là tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường.

Đỉnh điểm, ngày 29/11/2024, tại cuộc đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), một nhóm khách hàng đã phá rối khi trả mức giá không tưởng lên tới 30 tỷ đồng/m², khiến 36 lô đất đấu giá không thành công. “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, những đối tượng phá đấu giá đất đã bị Công an thành phố tạm giữ và khởi tố.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng bỏ cọc, phá rối, thổi giá tạo sốt ảo để trục lợi đấu giá đất ở Hà Nội là do giá khởi điểm thấp, dẫn tới tiền đặt cọc thấp. Để kịp thời chấn chỉnh, ngay từ tháng 8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập nhiều tổ công tác về làm việc tại các địa phương để rà soát quy trình đấu giá đất, đồng thời đề nghị lực lượng công an tăng cường vào cuộc, điều tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại. Do đó, công tác đấu giá đất đã đạt kết quả khả quan. Năm 2024, toàn thành phố đã thu được 18.599 tỷ đồng tiền đấu giá quyền sử dụng đất, tăng gần gấp đôi so với năm 2023.

Ngày 20/12/2024, thành phố Hà Nội đã ban hành bảng giá đất mới có hiệu lực đến hết năm 2025. Giá đất đã được điều chỉnh tăng từ 2 - 6 lần tùy vị trí. Tại nhiều quận, huyện, việc đấu giá đất cũng đã được tạm dừng để điều chỉnh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Đáng chú ý trong đó là quy định cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy. Chế tài này cùng với việc điều chỉnh bảng giá đất, tiền đặt cọc tăng được kỳ vọng sẽ giúp cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2025 đảm bảo minh bạch, hiệu quả hơn.

Sơn Hải

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-dau-gia-dat-qua-mot-nam-nhieu-thach-thuc-298376.htm