Hà Nội đẩy nhanh quá trình phục dựng điện Kính Thiên

Theo công bố của Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, tại khu vực Chính điện Kính Thiên, cuộc khai quật đầu năm 2021 đã phát hiện một dấu tích kiến trúc 'lạ' hình tròn thời Trần. Phát hiện mới tạo nên hy vọng đẩy nhanh quá trình phục dựng điện Kính Thiên – nơi được coi là 'linh hồn' của Hoàng Thành Thăng Long.

Kiến trúc hình tròn “lạ”

Theo Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học, dấu tích kiến trúc này nằm hoàn toàn trong lớp văn hóa thời Trần, bên dưới lớp văn hóa thời Lê sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn ở độ sâu 1,95m, tính từ mặt nền đất hiện tại của khu vực. Lớp văn hóa này ken dày đặc các loại ngói thời Trần bao gồm gạch bìa màu đỏ, các loại ngói mũi sen, ngói mũi nhọn.

Dấu tích kiến trúc hình tròn

Dấu tích kiến trúc hình tròn

Dấu tích kiến trúc thời Trần hình tròn nằm dưới các lớp gạch ngói và đất sét thời Trần dày khoảng 0,4m - 0,6m và được xây xếp hoàn toàn bằng gạch bìa. Gạch bìa xây kiến trúc tròn đều là loại gạch hình chữ, màu đỏ tươi được xếp thành hai hàng so le nhau và chỉ có một lớp duy nhất, hàng bên ngoài thấp hơn hàng bên trong. Phía ngoài đường tròn ở các hướng Đông - Tây - Nam là một số viên cuội có nhiều kích thước khác nhau được xếp tương đối bằng phẳng nhưng không theo hình dạng nhất định.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Thông báo số 152-TB/TU ngày 6/3/2021 tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội; Quyết định số 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 04/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000m2. Đợt khai quật thăm dò năm 2021 được xem là có quy mô hớn nhất trong hơn 10 năm Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Thăm dò trong lòng kiến trúc tròn thấy nền móng đất sét trộn với gạch ngói vụn thời Trần được đầm nện chắc chắc. Trên mặt có một vài viên gạch bìa xếp theo hướng Đông Tây nhưng cũng không còn ngay ngắn. Trong nhóm gạch này, viên gạch đầu tiên tính từ phía Tây, ở rìa cạnh có 2 chữ Hán “Thường Tân quốc”. Trước đây đã gặp ở 18 Hoàng Diệu 1 viên gạch thời Trần có chữ “Thường Tân quốc”, đồng thời cũng có viên khác có chữ “Thường Tân viên”. Ở độ sâu 0,7m so với kiến trúc hình tròn có một chân tảng đá nhỏ thời Trần không còn nguyên vị trí ban đầu.

Ở bên ngoài về phía Nam cách kiến trúc tròn 78cm có một chậu đất nung cỡ lớn (đường kính miệng 1,2m, sâu 55cm) màu đỏ tươi, chất liệu tốt, vành miệng phía ngoài có trang trí hoa sen, hoa mai và “liên châu” mang đặc trưng của thời Trần. Chậu có một lỗ thoát nước đặt xiên về một bên của đáy chậu. Đây có lẽ là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất từ trước đến nay thuộc thời Trần. Phía ngoài di tích tròn về phía Đông có dấu tích của 2 cống nước ngầm thời Trần: một được xây bằng gạch bìa, chiếc còn lại được xây bằng ống nước chuyên dụng hình tròn.

Cống nước gạch cách dấu tích kiến trúc hình tròn 3,64m về phía Đông và thấp hơn 0,35m, dài 4,64m chạy theo chiều Bắc – Nam. Phần cống ở phía Bắc bị cắt phá bởi móng kiến trúc thời Nguyễn. Cống gồm ba phần nắp, thành và đáy. Nắp và đáy cống gạch được đặt nằm ngang, hai bên thành cống được đặt nằm dọc vào hai mép của đáy và nắp cống tạo thành cống nước có mặt cắt hình gần vuông là khoảng trống để thoát nước. Loại gạch dùng để xây cống là loại gạch bìa đỏ hình chữ nhật, bề mặt gạch có vết cắt (đặc trưng của vật liệu kiến trúc thế kỷ XIV). Hiện cống nước đã bị phá nên chưa xác định được chiều dài thực ngày xưa như thế nào. Nắp cống nước được đậy bằng một hàng gạch đơn còn lại 6 viên, phía Bắc còn lại 5 viên gạch dài 2,28m đầu được chốt bằng viên gạch chữ nhật vỡ (rộng 21cm, dày 6cm) in chữ Hán Vĩnh Ninh trường, phía Nam còn lại một viên dài 40cm.

Cống nước tròn cách cống nước gạch 3,5m về phía Đông, hai đầu cống đã bị kiến trúc thời muộn hơn cắt phá chỉ còn lại một đoạn dài 2,97m, chạy theo chiều Đông – Tây. Hiện còn 8 ống nước đất nung hình tròn, phần đầu rộng hơn đuôi, phần đuôi ống có gờ để lắp ráp sao cho khít từ đuôi ống này với đầu ống kia. Các ống cống đất nung có kích thước dài 37-39cm, đường kính 13-15cm. Cống nước này xuất lộ cùng địa tầng với cống nước gạch và thấp hơn kiến trúc hình tròn 0,35m.

Niên đại và giá trị

Theo kết quả phân tầng văn hóa Thăng Long, di tích có cấu trúc hình tròn đang nằm trong lớp văn hóa thời Trần. Hai cống nước ngầm, chậu đất nung cỡ lớn phân bố xung quanh kiến trúc tròn đều có niên đại thời Trần. Các di vật liên quan trong khu vực di tích xuất lộ như gạch, ngói, đồ sành đều có niên đại thời Trần. Do vậy có thể xác định bước đầu dấu tích kiến trúc hình tròn có niên đại thời Trần thế kỷ XIII-XIV.

Đối với những người trực tiếp khai quật, cấu trúc tròn thời Trần xuất lộ năm nay ở phía Đông Bắc Chính điện Kính Thiên có thể xếp vào một loại hình kiến trúc “lạ”. Hiện trạng, đường tròn này còn nguyên vẹn, cấu trúc khá giản đơn. Các dấu tích khác xuất lộ ở xung quanh như chậu đất nung cỡ lớn, đường cống nước gạch, đường cống nước ngầm hình tròn có cùng niên đại nhưng chưa thể khẳng định chúng có liên quan gì với nhau hay không. Hiện trạng di tích chưa thấy có dấu hiệu nào có thể gợi cho những người khai quật biết được chức năng của kiến trúc.

Khu vực đang được tiếp tục khai quật

Khu vực đang được tiếp tục khai quật

Có ý kiến gợi ý đây có thể là một tiểu cảnh vườn hoa trong Hoàng cung thời Trần. Cũng có ý kiến suy nghĩ tới một cấu trúc liên quan đến một nghi thức tâm linh gì đó chăng? Tuy nhiên, tất cả đó đều chỉ là những suy đoán ban đầu mà chưa có một chứng cứ gì giải thích. Trước đây dạng kiến trúc tròn thời Trần các nhà khảo cổ đã gặp ở một đôi nơi.

Năm 1998, khai quật phía Bắc Đoan Môn đã phát hiện một phần hình tròn thời Trần muộn cắt vào dấu tích tường/hay đường đi có đường diềm “hoa chanh” có niên đại thời Trần sớm hơn ở vị trí Tây Nam. Đường tròn này đáng lưu ý bởi có những viên gạch bìa xếp đứng bên trong theo kiểu “các ô tam giác chéo nhau” điền kín mặt kiến trúc tròn. Ở chùa Báo Ân (Gia Lâm), các nhà khảo cổ học cũng đã gặp một kiểu đường tròn có dạng thức gần đường với tròn ở Đoan Môn.

Như vậy, ít nhất trong khảo cổ học, hiện nay đã gặp 3 cấu trúc tròn thời Trần ở ba địa điểm khác nhau, trong đó cấu trúc ở Đoan Môn có phần gần gũi hơn cấu trúc tròn ở chùa Báo Ân. Cấu trúc tròn ở phía Đông Bắc KínhThiên hiện nay không rõ có giống 2 cấu trúc nói trên hay không vì lớp mặt đã bị phá hết chỉ còn đường gạch tròn. Tuy nhiên, cùng có hình tròn và có hai đường gạch bìa xây đứng gần như nhau, cho nên có thể suy luận chúng có cấu trúc gần giống nhau. Nhưng cả ba dấu tích kiến trúc này đều chưa rõ được chức năng.

3 cấu trúc tròn ở 3 địa điểm khác nhau cũng cho thấy dường như trong thời Trần khoảng thế kỷ XIV có một phong cách tạo dựng các đường tròn bằng gạch trong kiến trúc mà thời Lý trước đó cũng như thời Lê tiếp sau chưa tìm thấy.

“Cấu trúc đó để làm gì và phản ánh điều gì trong kiến trúc thời Trần ở Thăng Long hay ở một ngôi chùa (chùa Báo Ân) thì với chúng tôi vẫn là điều bí ẩn cần nghiên cứu dài lâu. Vì vậy, các nhà khảo cổ tạm coi dấu tích kiến trúc tròn ở Đông Bắc Chính điện Kính Thiên năm 2021 là một kiểu kiến trúc “lạ” đáng lưu ý thời Trần trong khu vực Hoàng cung Thăng Long. Điều đó cũng cho thấy Hoàng cung Thăng Long vẫn luôn tiềm ẩn nhiều giá trị bất ngờ chưa được khám phá dưới lòng đất của một Di sản Thế giới”, đoàn khai quật Viện Khảo cổ học nhận định.

Hy vọng sớm phục dựng điện Kính Thiên

Nếu như năm 2019, với diện tích khai quật 900m2, Viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện ra nhiều dấu tích sân vườn, hồ ao, hiện vật mang kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng khiến giả thiết về vườn Thượng uyển, điện Cần Chánh lần đầu được phát lộ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thì năm 2021 kết quả thăm dò khai quật lại phát lộ ra những cứ liệu, hiện vật, di vật đặc sắc hơn. Với vị trí thu hẹp của kết quả khảo cổ học năm 2021 được xem là đã chạm tới không gian của điện Cần Chánh, một phần tổng thể không gian chung của Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Trước đó, Hà Nội cũng đã có những động thái cụ thể với đề án phục dựng điện Kính Thiên, đó là việc đưa ra lộ trình: Giai đoạn 1 (năm 2020 - 2025) hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; giai đoạn 2 (2025 - 2030) triển khai thực hiện dự án phục dựng điện Kính Thiên.

Theo các nhà khoa học, chuyên gia, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2021 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất. Qua đó, đã góp thêm nhiều tư liệu làm rõ các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với ba tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, góp thêm một số tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên.

Những phát hiện mới tạo ra thuận lợi cho các nhà khoa học, đẩy nhanh quá trình phục dựng, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân và các nhà nghiên cứu.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-day-nhanh-qua-trinh-phuc-dung-dien-kinh-thien-122104.html