Hà Nội đề ra nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về việc Hà Nội có thể tiên phong trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều cho biết dù khó khăn nhưng các đơn vị đều có kế hoạch, giải pháp cụ thể để phục hồi sau dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: VGP/Thành Chung

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: VGP/Thành Chung

Xây dựng kế hoạch cụ thể để phục hồi sau dịch bệnh

Trả lời câu hỏi nói trên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nêu ý kiến muốn GRDP năm nay tăng 7,5% như kế hoạch đã đặt ra thì 9 tháng còn lại Hà Nội phải đạt tăng trưởng GRPD 8,6%. Đây là chỉ tiêu rất cao và khó cả thi vì cuối năm kinh tế Hà Nội phải tăng trưởng 7,83%. Vì vậy, nếu không đạt được kế hoạch 2020 thì tính chung 5 năm qua cũng không đạt được kế hoạch đề ra là 7,3-7,8%.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện đang rà soát các nhiệm vụ cụ thể các quận, huyện, thị xã cần thực hiện để báo cáo hàng tháng ở giao ban UBND Thành phố.

Theo đó, giải pháp phục hồi kinh tế được đưa ra là: Tăng cường phát triển nông nghiệp, bảo đảm thức ăn chăn nuôi; phát triển thông tin truyền thông, đẩy mạnh thanh toán điện tử; đẩy mạnh các lĩnh vực y tế, sản xuất khẩu trang và trang thiết bị y tế phòng dịch. Bên cạnh đó sản xuất công nghiệp cần phục hồi ngay để tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy giải ngấn vốn FDI. Vốn đầu tư xã hội 2016-2019 của Hà Nội được 1,3 triệu tỷ đồng nên đẩy nhanh giải ngân để góp phần tăng trưởng bằng cách thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn theo yêu cầu của Chính phủ, của Thành ủy và UBND Thành phố.

Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết trong quý I/2020, toàn ngành giảm 1,17%. Tuy sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 nhưng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản giảm do đàn lợn chiếm tỉ trọng lớn trong chăn nuôi giảm; ngoài ra còn do sản lượng vụ đông giảm; một số diện tích sản xuất vụ xuân không hiệu quả, diện tích ngô giảm…

Vì vậy, ngành nông nghiệp đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó sẽ xây dựng thêm chuỗi liên kết, quảng bá sản phẩm nông nghiệp cho cả nước; thúc đẩy sản xuất lúa mùa, đậu tương; chuyển các cây ngắn ngày sang cây rau có hiệu quả cao hơn; làm tốt công tác phòng chống thiên tai để đảm bảo vụ mùa và thủy sản; bảo đảm cung cấp nguồn giống chăn nuôi; vận động nhân dân mở rộng tăng gia sản xuất. Còn 27 xã toàn chưa xây dựng xong NTM. Nên rà soát từng tiêu chí của mỗi xã, giao trách nhiệm cho từng sở để hoàn thành vào đầu năm 2021.

Phát triển thị trường trong nước

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, chỉ số phát triển công nghiệp trong quý I/2020 tương đối khá, tăng 4,4%. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu dự trữ của các doanh nghiệp đã cạn, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biêt từ Mỹ, EU tương đối khó khăn; trừ các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc tương đối ổn định, các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định cung cấp bảo đảm đơn hàng đã ký

Về thương mại, Hà Nội vẫn bảo đảm các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, cho các khu cách ly. Doanh thu các doanh nghiệp thương mại giảm từ 6- 10%, chỉ có lương thực tăng từ 2-6% nên ngành dịch vụ khó tăng trưởng được trong quý II để bảo đảm tốc độ phát triển. Xuất nhập khẩu Hà Nội giảm nên sự bền vững của kinh tế Thủ đô cần phải được quan tâm.

Ông Lê Hồng Thăng cho rằng thị trường ngoài nước tuy còn khó vực dậy nhưng thị trường trong nước vẫn còn khả quan với phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam". Vì vậy, lãnh đạo Sở Công Thương mong muốn các sở, ngành, địa phương quyết liệt để phát triển thị trường trong nước.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Cần kịch bản riêng cho ngành du lịch

Theo Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, tới thời điểm này, Việt Nam và TP. Hà Nội đã kiểm soát dịch bệnh khá thành công, được dư luận đánh giá cao. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh chưa kết thúc, do vậy cần xác định giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Bí thư quận Hoàn Kiếm cho rằng cần thiết phải xây dựng tiêu chí đồng bộ toàn diện của ngành, lĩnh vực để thực hiện. Trong đó, giải pháp bù hụt tối ưu là tập trung cho đầu tư công và giải ngân, lập ban chỉ đạo về đầu tư phát triển đầu tư công để giải quyết tháo gỡ khó khăn; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, cắt giảm chi thường xuyên; rà soát củng cố cơ chế tạo điều kiện cho đấu giá sử dụng đất, bù thu cho ngành du lịch, điều hòa thu chi ngân sách toàn Thành phố…

Riêng ngành du lịch, doanh thu từ dịch vụ và du lịch tại quận do ảnh hưởng của dịch bệnh có thể giảm tới 60% trong 6 tháng đầu năm nên ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Thành phố lên kịch bản riêng cho lĩnh vực du lịch để “giải cứu” ngành này. Cụ thể là phát triển văn hóa xã hội trở lại, khai thác du lịch nội địa, củng cố lực lượng lữ hành… Các sở, ngành, Tổng Công ty Du lịch Thành phố cần thành lập tổ công tác hỗ trợ các địa phương xây dựng giải pháp thực hiện.

Quốc Thanh-Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ha-noi-de-ra-nhieu-giai-phap-phuc-hoi-kinh-te/393767.vgp