Hà Nội: Đề xuất ban hành quy định về giải quyết tranh chấp lao động
Trong năm 2019, LĐLĐ TP Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn (CĐ), Luật An toàn - Vệ sinh lao động tại 220 doanh nghiệp (DN).
Các CĐ cấp trên cơ sở cũng đã phối hợp với chính quyền đồng cấp kiểm tra 812 DN về chính sách có liên quan đến người lao động (NLĐ) và lao động nữ. Đặc biệt, LĐLĐ TP cũng chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với BHXH, TAND quận - huyện - thị xã tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30-6-2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ về CĐ khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể... Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức CĐ, đã có 121 đơn vị, DN trả hết nợ BHXH và có 177 DN nộp một phần số tiền nợ, tổng số tiền thu nợ đọng BHXH trên 108 tỉ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, LĐLĐ TP Hà Nội nhìn nhận công tác phối hợp giải quyết các vụ đình công, ngừng việc tập thể giữa UBND và LĐLĐ một số quận - huyện còn lúng túng và thiếu chặt chẽ; một số địa phương còn coi việc giải quyết đình công, ngừng việc tập thể là trách nhiệm của tổ chức CĐ. Để công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và CĐ TP ngày càng chặt chẽ, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, LĐLĐ TP Hà Nội kiến nghị UBND TP sớm xây dựng, ban hành "Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể" trên địa bàn.