Hà Nội đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm | Hà Nội tin mỗi chiều
Quận Hoàn Kiếm có vị trí đặc biệt về lịch sử, văn hóa, xã hội là trái tim của Thủ đô. Quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng đã gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội. Người Hoàn Kiếm được thụ hưởng những giá trị văn hóa của vùng lõi đô thị. Do đó, việc sáp nhập hay mở rộng, đều có thể gây ra những thay đổi không mong muốn về yếu tố văn hóa.
Thành phố Hà Nội vừa hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó, thành phố có một đơn vị cấp huyện là quận Hoàn Kiếm và 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập do không đủ tiêu chí về diện tích, dân số. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Hiện tại Hoàn Kiếm đủ tiêu chuẩn về dân số, nhưng diện tích chỉ 5,35 km2, bằng 15% so với yêu cầu. Dù vậy, vì nhiều lý do Hà Nội cho rằng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm.
Sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy quận Hoàn Kiếm có vị trí đặc biệt về lịch sử, văn hóa, xã hội là trái tim của Thủ đô Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Nhất là hồ Hoàn Kiếm với sự tích Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần cho Rùa vàng sau khi đuổi xong giặc ngoại xâm, trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình. Nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng, tôn giáo như quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội… Những địa danh này không chỉ đơn thuần là một một di tích bình thường. Đó là tâm thức, ký ức, tình yêu; thành văn chương, âm nhạc, hội họa của biết bao thế hệ. Địa danh Hoàn Kiếm đã gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội.
Bên cạnh đó, quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc, được chia ra làm ba khu vực chính: khu phố cổ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu phố cũ ổn định từ năm 1990 đến nay. Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ. UBND thành phố đang chỉ đạo xây dựng các đề án lớn, quan trọng như: bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cũ thành vùng di sản; phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khai thác và phát huy giá trị vỉa hè, lòng đường một số tuyến phố trên địa bàn quận.
Thông tin về việc quận Hoàn Kiếm có thể bị sáp nhập khiến dư luận xôn xao suốt từ tháng 8 đến nay. Với người dân sinh sống ở phố cổ nhiều đời, lâu nay bên cạnh khái niệm “người Hà Nội”, người dân còn có khái niệm “người Hoàn Kiếm” bởi họ kế thừa những nét đẹp văn hóa của người dân phố cổ khi xưa, đồng thời có những giá trị mới riêng biệt. Về sinh hoạt, người Hoàn Kiếm được thụ hưởng những giá trị văn hóa của vùng lõi đô thị. Do đó, việc sáp nhập hay mở rộng, đều có thể gây ra những thay đổi không mong muốn về yếu tố văn hóa./.