Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp 'hạ nhiệt' kỳ thi vào lớp 10
Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định tỉ lệ học sinh vào lớp 10 trường công lập năm nay cao hơn năm trước và thành phố sẽ tiếp tục xây mới thêm trường học.
60,9% học sinh vào trường công
Trước thông tin cho rằng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 của Hà Nội thấp kỷ lục, với chỉ tiêu chỉ đạt 55,7% so với số học sinh tốt nghiệp THCS, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đây là thông tin chưa chính xác.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội đến ngày 11/7, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là 78.623 học sinh, chiếm 60,9%, tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023.
Trong hôm qua 10/7, Sở đã duyệt điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường công lập. Với việc hạ điểm chuẩn trúng tuyển, toàn thành phố sẽ có 78.623 học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập, chiếm 60,9% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ này cao hơn so với dự kiến đã công bố hồi tháng 3/2023 (55,7%).
Hiện tại, khối công lập của thành phố có 132 trường, gồm 115 trường công lập không chuyên, 4 trường chuyên và có lớp chuyên, 9 trường công lập tự chủ, 4 trường hiệp quản tuyển học sinh lớp 10. Đây là sự cố gắng rất lớn của thành phố Hà Nội trong thực hiện các giải pháp phân luồng, bảo đảm chất lượng và đủ chỗ học trong bối cảnh số lượng học sinh ngày càng tăng.
Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018, đến năm 2025 “phấn đấu ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp”. Triển khai quyết định này, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan đã tham mưu đẩy mạnh việc phổ biến, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh và đã đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, với đặc thù của Thủ đô, hằng năm luôn có sự gia tăng mạnh về dân số, kéo theo số học sinh liên tục tăng, trong đó hầu hết người dân đều có mong muốn cho con theo học ở các trường công lập. Điều này dẫn đến tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường công lập rất cao. Tại một vài trường tư thục và công lập tự chủ có chất lượng xảy ra hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng để được nộp hồ sơ.
Dù vậy, theo khẳng định của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện nay, thành phố Hà Nội không thiếu chỗ học. Việc thiếu chỗ học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn đông dân cư, nhất là ở các quận. Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập này.
Đề xuất giải pháp căn cơ
Thực tế, việc đầu tư xây dựng trường học công lập ở cấp THPT đã và đang được thành phố Hà Nội rất quan tâm. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới các trường THPT gồm: Minh Hà (huyện Thạch Thất); Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); 1 trường tại ô đất A11 (quận Cầu Giấy); Việt Hưng (quận Long Biên); Uy Nỗ, Nguyên Khê và Việt Hùng (huyện Đông Anh).
Bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học, đẩy nhanh tiến độ triển khai 7 dự án trường liên cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị; thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học.
Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024.
Cụ thể, cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP và các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ của trung tâm GDNN-GDTX trong tình hình mới; đó là đầu tư, phát triển trung tâm GDNN- GDTX thành trung tâm đào tạo học tập suốt đời, chất lượng cao...