Hà Nội đề xuất tăng cao mức phạt vi phạm giao thông: Làm sao để khả thi?

Sau đề xuất tăng mạnh mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội (trong đó nâng mức phạt gấp 1,5 -2 lần đối với 107 hành vi vi phạm so với nghị định 168/2024), nhiều người bày tỏ đồng tình, góp ý kiến để dự thảo khả thi, đảm bảo công bằng.

Nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội:

Hiện UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định mức phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đáng chú ý, dự thảo đang đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần đối với 107 hành vi vi phạm giao thông so với Nghị định 168/2024.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của thành phố Hà Nội, anh Đức Lộc (nhân viên văn phòng tại Đống Đa, trú tại Đan Phượng) cho biết bản thân cơ bản đồng tình nếu đề xuất được thông qua vì phạt cao mới đủ sức răn đe, thực tế Nghị định 168 mới chỉ giảm vi phạm chứ chưa dứt điểm được.

"Qua 1 thời gian Nghị định 168 có hiệu lực thì vi phạm giao thông giảm, tai nạn giao thông cũng giảm nên nó thật sự có hiệu quả. Điểm đáng chú ý của Nghị định 168 là tăng nặng mức phạt 1 số hành vi vi phạm giao thông, đây cũng là 1 yếu tố quan trọng giúp nâng cao ý thức của người dân. Vì vậy tôi nghĩ nếu có tăng tiếp mức phạt thì cũng không vấn đề gì, người không vi phạm thì họ không lo, chỉ có người hay vi phạm mới sợ thôi", anh Lộc chia sẻ.

Nhiều người dân cơ bản đồng tình với đề xuất của Hà Nội về việc tăng mức phạt vi phạm giao thông, tuy nhiên cũng cần cải thiện về hạ tầng giao thông cho đồng bộ.

Nhiều người dân cơ bản đồng tình với đề xuất của Hà Nội về việc tăng mức phạt vi phạm giao thông, tuy nhiên cũng cần cải thiện về hạ tầng giao thông cho đồng bộ.

Sau khi thông tin về đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông của Hà Nội được phát đi, nhiều bài đăng trên các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những tranh luận gay gắt. Theo đó, bên cạnh những người đồng tình thì vẫn có những người không đồng tình, họ nhấn mạnh tăng mức phạt lên quá cao, không có khả năng nộp phạt nếu lỡ vi phạm.

Tuy nhiên, với những bình luận phản đối đề xuất của thành phố, khi được hỏi lý do thì lại không có phản hồi, lý giải thuyết phục mà chỉ đưa ra được rằng mức phạt cao, không phù hợp với thu nhập của người lao động.

Chia sẻ với PV, anh Việt Đức (làm nghề shipper, xe ôm công nghệ) cho biết bản thân đã làm nghề được 2 năm và chưa lần nào vi phạm giao thông.

"Không ai có thể ép bản thân mình vi phạm giao thông, chỉ có bản thân mình chủ động vi phạm hoặc hiếm hoi là do tình huống bất khả kháng. Hôm trước tôi nghe tin 1 tài xế ô tô được xóa lỗi phạt nguội vì hành động cứu người, điều này chứng tỏ nếu bản thân có lí do chính đáng và chẳng may vi phạm giao thông thì vẫn có thể đến cơ quan chức năng trình bày, không có chuyện bị phạt mà không rõ nguyên nhân", anh Đức chia sẻ.

Với cương vị là người hoạt động trong lĩnh vực vận tải, ông Nguyễn Thanh Hiếu - Giám đốc hãng xe Tân Kim Chi tuyến Đà Nẵng - Hà Nội hoàn toàn ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông mà Hà Nội đề xuất.

"Tuy nhiên, song song với việc tăng mức phạt cũng cần nâng cấp cải thiện hạ tầng giao thông, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tự động, tăng cường xử phạt nguội. Như vậy sẽ đảm bảo công bằng, không xảy ra tình trạng phạt oan hoặc tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giao thông", ông Nguyễn Thanh Hiếu nói.

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cũng là 1 yếu tố tác động đến ý thức tham gia giao thông của người dân.

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cũng là 1 yếu tố tác động đến ý thức tham gia giao thông của người dân.

Cũng đồng tình với việc tăng mức phạt vi phạm giao thông, tuy nhiên ông Hoàng Ngọc Dương - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Ngọc Dương cho rằng việc nâng mức xử phạt như thế nào và áp dụng với hành vi vi phạm nào cũng cần được nghiên cứu thêm.

"Những lỗi như vi phạm nồng độ cồn có tăng mức phạt lên 100 triệu cũng hợp lý, vì đây là hành vi rất nguy hiểm, tương tự như chạy xe quá tốc độ, chở quá tải trọng, xe dù bến cóc,... cũng đều thiết thực. Tuy nhiên 1 số hành vi khác cần điều chỉnh mức phạt cho phù hợp hơn, không nên xử phạt tràn lan sẽ gây áp lực cho người tài xế", ông Hoàng Ngọc Dương cho biết.

Hiện nay, nếu bị xử phạt giao thông trực tiếp, người dân có quyền yêu cầu được xem bằng chứng. Còn trong trường hợp dính phạt nguội, các tài xế cũng có thể đến cơ quan chức năng để yêu cầu xác minh lại, trong trường hợp không vi phạm hoặc vi phạm thuộc trường hợp không bị xử phạt thì được gỡ bỏ lỗi, bảo đảm sự công bằng trong áp dụng luật.

Căn cứ nào để Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lỗi giao thông so với Nghị định 168?

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 giao cho HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội.

Cũng theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết, để có cơ sở triển khai thực hiện sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành thì Hà Nội cần phải bổ sung quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 33 của Luật Thủ đô là cần thiết.

Về đề xuất tăng mức phạt so với Nghị định 168, Hà Nội đánh giá hiện nay người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100, 123, 168. Mức phạt tiền đối với người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội được áp dụng như đối với các địa phương khác trên cả nước, chưa có chế tài xử phạt mang tính chất đặc thù, riêng biệt để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông…

Như vậy, việc tăng mức phạt sẽ tác động đến ý thức của người tham gia giao thông, buộc người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường bộ, nếu không sẽ bị áp dụng mức tiền phạt cao hơn mức tiền phạt chung.

Tình hình giao thông Hà Nội trong ngày đi làm đầu tiên sau nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-de-xuat-tang-cao-muc-phat-vi-pham-giao-thong-lam-sao-de-kha-thi-169250205141646367.htm