Hà Nội đề xuất tăng mức phạt gấp 2 lần Nghị định 168: Chuyên gia giao thông nói gì?

Nhiều chuyên gia ủng hộ tăng mức phạt từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 mà Hà Nội vừa đề xuất, song cho rằng thành phố nên cân nhắc thời điểm áp dụng, không nên phạt diện quá rộng, tràn lan... tránh gây sốc cho một bộ phận người dân.

Phạt cao để hình thành văn hóa giao thông

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Thành phố dự kiến nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 đối với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Một số hành vi có thể bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng, áp dụng từ tháng 7/2025.

Lý giải về mức phạt, UBND thành phố cho rằng Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của cả nước với dân số khoảng 8,5 triệu người. Nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, ngoại giao, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Hà Nội phát triển đa dạng các loại hình giao thông với mật độ cao, kéo theo sự phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Chính quyền thành phố cho rằng cần có quy định đặc thù riêng vì ý thức tham gia giao thông của người dân còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm thường lặp lại với các hành vi: không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu; không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều; đi vào đường cấm; không chấp hành đèn tín hiệu.

 Người dân tại Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu giao thông sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.

Người dân tại Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh đèn tín hiệu giao thông sau khi Nghị định 168 có hiệu lực.

Theo đó, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép HĐND thành phố quy định mức phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt Chính phủ quy định với một số vi phạm giao thông đường bộ. Nghị định 168/2024 đã tăng mức phạt với một số hành vi, tuy nhiên tai nạn giao thông ở Hà Nội luôn cao. Năm 2023 xảy ra 1.248 vụ, làm chết 710 người, 823 người bị thương; 2024 xảy ra 1.501 vụ, làm 700 người chết và 1.221 người bị thương.

Tỷ lệ gia tăng phương tiện năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 2-4%. Năm 2023 khoảng 8,02 triệu xe, sang năm 2024 tăng lên 8,16 triệu xe các loại.

Tình trạng ùn tắc xảy ra vào khung giờ cao điểm, đặc biệt trên các tuyến đường xuyên tâm, vành đai, trong khi việc mở rộng hạ tầng chưa đáp ứng.

Một số tình trạng gây rối, mất trật tự còn diễn biến phức tạp như lạng lách, đua xe, mang theo đao kiếm, dù cơ quan chức năng đã xử lý nhưng vẫn tái diễn.

"Mục tiêu, quan điểm xây dựng đề xuất trên nhằm kéo giảm giao thông, ùn tắc, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố", UBND Hà Nội nhấn mạnh.

Không nên phạt diện quá rộng

Trao đổi với VietTimes, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết ông ủng hộ tăng mức phạt vi phạm giao thông 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 mà TP Hà Nội vừa đề xuất.

Với tình hình giao thông phức tạp ở Hà Nội, kết cấu hạ tầng chưa ổn định, ý thức người dân chưa nâng cao, việc thành phố đề xuất như trên mức là cần thiết, có cơ sở pháp lý.

 CSGT tuần tra, xử lý vi phạm. Ảnh minh họa.

CSGT tuần tra, xử lý vi phạm. Ảnh minh họa.

"Sau một tháng thực hiện Nghị định 168, ý thức tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một bộ phận cố tình vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, làm xấu đi tình hình giao thông. Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa các đối tượng này", ông Thanh nêu quan điểm.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ băn khoăn mức phạt tăng 1,5-2 lần Nghị định 168 với 107 hành vi là "hơi nhiều, chưa có sự tập trung". Ông đề nghị TP Hà Nội cân nhắc kỹ, không nên quy định xử phạt diện quá rộng, tràn lan, nên chọn những hành vi vi phạm đặc biệt, có tính đặc thù ở địa bàn.

"Vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chạy quá tốc độ; xe chở quá tải, cơi nới thành thùng; đua xe, lạng lách đánh võng" - là các hành vi Hà Nội nên tập trung xử lý.

Ngoài phạt tiền, ông Thanh đề nghị cân nhắc bổ sung phạt lao động công ích với những người cố tình vi phạm để răn đe, giống như các nước trong khu vực đã áp dụng.

Có thể gây sốc cho một bộ phận người dân

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cũng ủng hộ việc tăng mức phạt.

Tuy nhiên, ông cho rằng Hà Nội cần tính toán kỹ càng, nhất là khi Nghị định 168/2024 vừa ban hành đã có tác động rõ rệt tới ý thức của tài xế. Ông đề xuất thành phố cần thêm thời gian để đánh giá thực trạng chấp hành của người dân sau Nghị định 168, trước khi tăng mức phạt.

Ông Tạo đề nghị chỉ tăng nặng mức phạt với hành vi nguy hiểm, tái phạm nhiều lần, bởi đây thực sự là nguy cơ gây tai nạn cao độ.

 Tình trạng ùn tắc xảy ra vào khung giờ cao điểm, đặc biệt trên các tuyến đường xuyên tâm, vành đai. Ảnh: Vietnamnet.

Tình trạng ùn tắc xảy ra vào khung giờ cao điểm, đặc biệt trên các tuyến đường xuyên tâm, vành đai. Ảnh: Vietnamnet.

Còn PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, việc đề xuất tăng phạt từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168 với một số hành vi "có vẻ thiếu cơ sở khoa học", có thể gây sốc cho một số bộ phận người dân.

"Nghị định 168 vừa có hiệu lực đã đủ sức răn đe người tham gia giao thông. Hà Nội nên đợi thêm 1-2 năm để rút kinh nghiệm, xem xét những hành vi cần thiết mới nâng mức phạt", ông Toản nói.

Trong khi đó, TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng Công ty tư vấn OCG Nhật Bản, cho rằng đề xuất tăng mức phạt của Hà Nội đang thiếu cơ sở đánh giá và mục tiêu rõ ràng.

Theo ông Bình, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân, bao gồm ở Hà Nội, đã được nâng cao. Người dân Hà Nội tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự và không dừng đỗ chen lấn vào các làn đường. Điều này được các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng thừa nhận.

Với sự chuyển biến như vậy, TS. Phan Lê Bình đặt câu hỏi tại sao phải đề xuất tăng mức phạt ở thời điểm này? Ông cho rằng cần có cơ sở đánh giá thuyết phục và mục tiêu rõ ràng cho đề xuất, tránh quy định thiếu cơ sở thực tiễn và chưa chắc chắn về tính hiệu quả.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ha-noi-de-xuat-tang-muc-phat-gap-2-lan-nghi-dinh-168-chuyen-gia-giao-thong-noi-gi-post182508.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat