Hà Nội đi đầu trong xu thế phát triển đô thị xanh

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt xác định 'Phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn.'

Hà Nội định hướng phát triển đô thị sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: UBND quận Hoàng Mai.

Hà Nội định hướng phát triển đô thị sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: UBND quận Hoàng Mai.

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt xác định “Phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội”.

KTS Lê Việt Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị cho biết, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí: không gian xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người, thậm chí người dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người.

Xu hướng phát triển đô thị xanh

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của những thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Điều này cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới. Không gian xanh của Hà Nội so với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị thì đều quá thấp dù các khu đô thị mới của Thủ đô mới được xây dựng từ những năm 1990.

Các khu đô thị phía Nam Thủ đô đang được quy hoạch, trồng nhiều cây xanh.

Các khu đô thị phía Nam Thủ đô đang được quy hoạch, trồng nhiều cây xanh.

Điểm sáng nhất là khu đô thị Park City với khoảng 65% diện tích hạng mục xây dựng dành cho thảm thực vật, cảnh quan không gian xanh và tiện ích; Khu đô thị Quốc tế Nam Thăng Long - Ciputra Hà Nội với trên 50ha cây xanh và khoảng 26ha hồ nước… Xây dựng đô thị thông minh và đáng sống ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cùng với đó là việc phải tiết kiệm nguồn năng lượng.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn Nguyễn Trường Sơn, xu hướng lựa chọn thuê, mua nhà của người dân Hà Nội sau đại dịch Covid-19 có sự thay đổi đáng kể. Khách hàng đã có sự thay đổi, chú trọng nhiều hơn vào phong cách kiến trúc, môi trường sống và hệ thống tiện ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2020 những sản phẩm bất động sản trong các khu đô thị thông minh có sức thanh khoản cao gấp 2 lần so với các dự án thông thường.

Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, khách hàng sẵn sàng trả thêm chi phí và chấp nhận đi xa hơn để đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình. Năm 2024, nhiều chủ đầu tư đã tiên phong, đầu tư xu hướng xây dựng các khu đô thị xanh. Thực tế, đầu tư công trình xanh tăng 5 - 10% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm 20 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng, 60 - 70% chi phí xử lý chất thải.

"Đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội phát triển đô thị xanh" - TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định.

"Đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội phát triển đô thị xanh" - TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định.

Thủ đô Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển mới, phát triển đô thị phải chú trọng về chất chứ không đơn thuần chạy đua theo số lượng. Trong những quy hoạch phát triển đô thị, yếu tố không gian xanh, không gian công cộng cũng được các nhà quản lý chú trọng.

Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.

Để từng bước nâng “chuẩn xanh” trong các khu đô thị mới, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư thì còn cần đặt ra các tiêu chí trong phát triển khu đô thị mới về “xanh”, “thông minh”, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, Thành phố cần có các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư như khuyến khích áp dụng những chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu thiết kế uy tín, phải khuyến khích bằng cơ chế cụ thể.

Được biết, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhằm bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những nội dung mới hình thành như phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Với những lợi thế hiện có, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể đi đầu trong xu thế chuyển đổi xanh, phát triển bền vững" - chuyên gia Phạm Hoài Trung - sáng lập viên Azitech, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050. Ảnh AT

"Với những lợi thế hiện có, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể đi đầu trong xu thế chuyển đổi xanh, phát triển bền vững" - chuyên gia Phạm Hoài Trung - sáng lập viên Azitech, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050. Ảnh AT

Việt Nam có khoảng 300 công trình xanh

Chuyên gia Phạm Hoài Trung - sáng lập viên Azitech, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050 cho biết, là một quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng, có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh, chú trọng đến phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0.

Dù các công trình xanh xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam vào những năm 2005 - 2010 nhưng đến hết quý 2/2023, Việt Nam chúng ta có khoảng 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Chuyên gia của Azitech, đơn vị có nhiều kinh nghiệm tư vấn giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng, công nghệ IoT và tiết kiệm năng lượng cho rằng, muốn phát triển đô thị xanh điều kiện tiên quyết của Hà Nội chính là trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ ràng. Điều này sẽ đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.

"Chúng ta nên bắt đầu từ việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, để người dân tự giác tham gia vệ sinh môi trường ngay khu vực mình sinh sống" -KTS Lê Việt Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị khẳng định.

"Chúng ta nên bắt đầu từ việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, để người dân tự giác tham gia vệ sinh môi trường ngay khu vực mình sinh sống" -KTS Lê Việt Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Quy hoạch đô thị khẳng định.

Hà Nội, nên tập trung khai thác 3 nguồn năng lượng

Theo TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để phát triển đô thị xanh, Thủ đô Hà Nội cần tập trung 3 nguồn năng lượng sạch: Điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Để phát triển năng lượng gió, Thủ đô cần xây dựng bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận. Về năng lượng mặt trời, Hà Nội có tổng số giờ chiếu sáng của mặt trời không thuận lợi do bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý, khí hậu nên chỉ nên phát triển khu vực hộ gia đình sử dụng điện riêng lẻ có công suất thấp. Còn với nguồn năng lượng sinh khối, Hà Nội cần nghiên cứu phân rác thải tại nguồn.

Về chính sách phát triển năng lượng xanh, cho đến thời điểm hiện nay, Thủ đô Hà Nội vẫn chưa có khung chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khi xây dựng hệ thống pháp lý triển khai Luật Thủ đô 2024, Hà Nội cần phải quan tâm đến vấn đề này.

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-di-dau-trong-xu-the-phat-trien-do-thi-xanh.html